Hoạt động này sẽ đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể, giúp hàng nghìn lao động tỉnh Kiên Giang có thêm thu nhập và góp phần chấm dứt việc mua bán cá nóc lén lút
Sau khi được Chính phủ cho phép làm thí điểm, tỉnh Kiên Giang đang tích cực phối hợp với đối tác từ Hàn Quốc để khai thác, chế biến, xuất khẩu cá nóc.
Trước kia, toàn bộ cá nóc khai thác được ngư dân bỏ ngay trên biển hoặc đem về đất liền làm thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc tiêu thụ lén lút với giá thấp. Tuy nhiên, hiện nay nhờ nắm được kỹ thuật tách lọc chất độc ra khỏi cá, biến cá độc thành món ăn cao cấp, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu cá nóc với số lượng lớn.
Bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: Để thực hiện đề án “Thí điểm mở rộng và nâng cao về khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc”, tỉnh Kiên Giang giao cho 2 đơn vị chế biến và xuất khẩu cá nóc; 4 cơ sở thu mua, bảo quản và vận chuyển cá nóc tại cảng cá Khu công nghiệp Tắc Cậu, nằm tại địa phận huyện Châu Thành. Các công ty chế biến chỉ được giao nhận, thực hiện hợp đồng xuất khẩu cá nóc với Công ty Korea poseidon seafood co. ltd (Hàn Quốc).
Ba loại cá nóc được thu mua gồm cá nóc xanh, cá nóc bạc và cá nóc răng mỏ chim với trọng lượng từ 200 - 700g/con. Việc đánh bắt, chế biến cá nóc được phía công ty Hàn Quốc đào tạo huấn luyện bài bản.
Ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Chính phủ chỉ cho phép thực hiện đề án thí điểm ở 2 tỉnh là Khánh Hòa và Kiên Giang. Đây cũng là điều kiện để tăng thêm thu nhập, tạo việc làm cho ngư dân… Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin trong và ngoài tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân là chỉ được phép xuất khẩu 3 loại cá nóc theo yêu cầu của nhà nhập khẩu”./.
Theo Nông thôn ngày nay