(QNĐT) - Thời điểm này nông dân tỉnh ta đã hoàn thành việc gieo sạ lúa hè thu năm 2010. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là các địa phương phải đối mặt với hạn hán gay gắt. Nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài thì trong khoảng 10 ngày tới toàn tỉnh có sẽ trên 15.000ha cây trồng thiếu nước tưới.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, kết thúc lịch gieo sạ vụ sản xuất hè thu 2010 toàn tỉnh đã xuống giống trên 32.200ha, đạt 98,4% so với kế hoạch. Diện tích còn lại phần lớn được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn như mè, bắp, đậu phụng...
Nguồn nước Thạch Nham được điều tiết về tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp ở khu Tây Sơn Tịnh |
Ông Nguyễn Văn Tuân - Trưởng phòng nông nghiệp Sở NN và PTNT) cho biết, chưa có vụ sản xuất Hè thu nào nông dân tỉnh ta lại đối mặt với nắng nóng khô hạn như năm nay.
Để gieo sạ hết diện tích, UBND tỉnh đã trích nguồn kinh phí dự phòng 6 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương và Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi nạo vét kênh mương, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác chống hạn.
Mặc dù vậy, hiện nay tỉnh ta tiếp tục phải đối mặt với khô hạn, khiến nhiều vùng cuối kênh xuất hiện tình trạng thiếu nước tưới. Để cứu lúa nhiều nông dân đã dùng máy bơm bơm nước từ các ao, hồ chống hạn.
Còn tại huyện Mộ Đức, ông Vũ Nhân - Trưởng phòng NN và PTNT huyện cho biết: Hiện tại nguồn nước tại các hồ chứa do địa phương quản lý đang xuống thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Điển hình như hồ chứa nước Hóc Mít, Mạch Điểu ở xã Đức Phú hiện nay lượng nước trong hồ chỉ đạt khoảng 20-26% so với thiết kế.
Các hồ chứa: Ông Tới, Lỗ Thùng, Hóc Sằm, Đá Bàn hiện mực nước chỉ còn khoảng 28-40%. Dự báo trong vòng 10 ngày tới nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng thì chắc chắn hạn hán sẽ xảy ra diện rộng trên địa bàn huyện Mộ Đức. Trong đó, chủ yếu tập trung vào 500ha lúa được tưới từ các hồ đập tại địa phương.
Qua kiểm tra của Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều và Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, thì hiện nay mực nước trên các sông suối, ao hồ đang xuống rất nhanh, thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm.
Hầu hết các hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 1 triệu mét khối trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 20% so với dung tích thiết kế và đã có một số hồ chứa xuống dưới mực nước chết. Điển hình như các hồ: Phổ Tinh, Nam Bình, An Phong, Đá Bạc, Phước Tích, Hố Lở (Bình Sơn); hồ Huân Phong (Đức Phổ)... Riêng hệ thống công trình Thạch Nham lưu lượng nước đến chỉ đạt khoảng 31 mét khối/giây, thấp hơn đỉnh tràng từ 0,7-0,8 mét, vì vậy khả năng hạn nặng cho vụ hè thu là khó tránh khỏi.
Người dân Bình Sơn nạo vét kênh mương để dẫn nước về tưới lúa hè thu |
Theo dự báo của ngành nông nghiệp thì diện tích khả năng bị hạn trong vụ hè thu 2010 là 15.400ha, trong đó diện tích lúa chiếm trên 10.000ha. Trong số diện tích có nguy cơ bị hạn, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi đảm nhận tưới theo hợp đồng là 6.200ha.
Ông Nguyễn Lập - Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết, để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới, hiện nay công ty đang áp dụng tưới luân phiên trên hệ thống kênh cấp 1 Thạch Nham, nhưng chắc chắn nguồn nước đến các vùng cuối kênh sẽ thiếu, do đó công ty khuyến cáo nông dân tận dụng nguồn nước tại chỗ để bơm tác. Hiện công ty đang chờ nguồn kinh hỗ trợ chống hạn để tiếp tục nạo vét các tuyến kênh nằm ở vùng xa.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống hạn ở các địa phương, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho Quảng Ngãi 20 tỷ đồng, trong đó 12 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác chống hạn cho cây trồng và 8 tỷ đồng giải quyết nguồn nước uống cho người và gia súc.
Các phương tiện chống hạn thô sơ cũng được phát huy tối đa công suất (trong ảnh: Người dân xã Tịnh Thọ, Sơn Tịnh đạp nước tưới cho các vùng khô hạn). |
Trong khi chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, Sở NN và PTNT khuyến cáo các địa phương triển khai ngay phương án phòng chống hạn năm 2010 đã được phê duyệt. Tập trung chống hạn kịp thời trên tinh thần tự lực tại chỗ, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia chống hạn. Tăng cường công tác quản lý, điều hành nguồn nước, không để xảy ra tình trạng nông dân tranh chấp do thiếu nước.
Phạm Danh - Quang Huy