Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi tỉnh Quảng Ngãi - 10 năm nhìn lại

03:07, 04/07/2010
.

(QNg) - Qua hơn 10 năm phát động, Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã được nông dân cả tỉnh hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của nông dân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
 
Nhiều hộ nông dân từ sản xuất tự cấp, tự túc chuyển sang sản xuất hàng hóa đa dạng, phong phú, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với quy mô lớn, ngày càng đáp ứng hơn cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
 
Nhờ phong trào này mà nhiều hộ nông dân trong tỉnh vươn lên xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề; phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hằng năm, số hộ đăng ký và số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG năm sau luôn cao hơn năm trước.
 
Mô hình rau sạch của nông dân xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).
Mô hình rau sạch của nông dân xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi).

Hiện nay, số hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp chiếm 55% số hộ nông dân cả tỉnh (trên 90 ngàn hộ), trong đó hơn 70% số hộ đạt danh hiệu “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp” (78.213 hộ). Từ phong trào này, đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân SXKDG, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
 
Điều đáng nói là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh ngày càng có nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Trương Nuôi, ở thôn Tân An, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; mô hình trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ cây giống của anh Nguyễn Hành ở thôn Trường Giang, xã Trà Tân (Trà Bồng); hay ông Phạm Văn Bút (dân tộc Hrê ở xã Ba Liên (Ba Tơ), trồng rừng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...

Ở thành phố, khi mà đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần để đáp ứng cho nhu cầu đô thị hoá, nhiều hộ nông dân năng động chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và làm dịch vụ, như: ông Đặng Ngọc Cường ở phường Nghĩa Chánh chế biến cá, mực hằng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân từ 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng. Một số người còn phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh như ông Nguyễn Tấn Cư ở phường Nghĩa Lộ; ông Bùi Thanh Tra ở phường Quảng Phú... hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng...

Mô hình kinh tế VAC và kinh tế trang trại những năm qua cũng có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay Quảng Ngãi có 495 trang trại, trong đó có hơn 100 trang trại trồng trọt, 96 trang trại chăn nuôi, 93 trang trại tổng hợp, 76 trang trại thuỷ sản.  Những trang trại đang trên đà phát triển theo hướng hàng hoá với quy mô lớn, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.

Bên cạnh đó, nhờ có kinh tế trang trại các tiến bộ KHKT được ứng dụng vào sản xuất. Nhiều chủ trang trại đã mua sắm được trang thiết bị máy móc, từng bước cơ giới hóa quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
 
Tiêu biểu như ông Phạm Cao Chức ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), hằng năm thu lãi hơn 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng; Mô hình trang trại nuôi trồng thuỷ sản của bà Đoàn Thị Phương Mai, ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) hằng năm thu lãi 80 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên, với mức thu nhập ổn định từ 900.000 đ- 1.000.00đồng/người/tháng…

Để triển khai thực hiện phong trào đạt hiệu quả, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nông dân, như: Phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập 1.571 tổ cho 40.787 hộ vay với số dư nợ hiện nay gần 250 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng CSXH thành lập hơn 1.054 tổ cho hơn 33.858 hộ vay với số dư nợ hiện nay trên 400 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Hội còn lập các dự án vay vốn từ Dự án 120 (nguồn vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm), xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, đến nay nguồn vốn quỹ HTND toàn tỉnh có trên 4,2 tỷ đồng. Từ năm 2000 đến nay nguồn quỹ phát triển liên tục và đã cho gần 4.000 lượt nông dân vay. Qua việc quản lý, thực hiện các dịch vụ, nông dân được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh giúp nông dân đổi mới cách làm ăn, sử dụng vốn có hiệu quả.
 
Từ năm 2000- 2010 đã tổ chức 3.226 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 150 ngàn lượt người, đào tạo nghề dài hạn cho 695 người; đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.819 người. Những kết quả này có tác động tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, lao động phổ thông không có tay nghề sang lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật, tạo điều kiện cho phong trào nông dân thi đua SXKDG phát triển cả về chất và lượng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cũng từ phong trào này mà tổ chức Hội Nông dân ngày càng nâng cao vai trò, vị thế và thu hút ngày càng nhiều nông dân vào tổ chức Hội. Hằng năm hội đã kết nạp trên 5 ngàn hội viên mới. 

Phong trào nông dân thi đua SXKDG trong những năm qua thực sự mang lại ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc; là cơ hội, điều kiện thuận lợi để nông dân học tập, tiếp thu những tiến bộ KHKT, tạo mối liên kết bền chặt giữa 4 nhà (Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà Doanh nghiệp – Nhà nước) góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Đồng Xuân

.