(QNg) - Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông huyện Đức Phổ, vụ đông xuân vừa qua, lần đầu tiên mô hình cải tiến kỹ thuật thâm canh cây đậu phụng được đưa vào sản xuất thử nghiệm trên diện tích 1 ha đất cát bạc màu tại thôn Quy Thiện (Phổ Khánh), với 19 hộ nông dân tham gia mô hình.
Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, mở ra triển vọng mới trên vùng đất cát bạc màu này. Nhiều năm qua, sào đất vườn của anh Nguyễn Văn Bình, ở thôn Qui Thiện quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết trồng mì. Theo anh Bình, nếu mì được mùa lắm thì mỗi năm cũng chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng/sào; giá cả bấp bênh và công sức đầu tư cũng không ít. Đầu vụ đông xuân này được sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông, anh Bình quyết định chuyển số diện tích trên sang trồng giống đậu phụng sẻ Gia Lai.
Sau vụ đầu tiên bội thu, bà con tranh thủ xuống giống cho vụ mùa tiếp theo. |
Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cặn kẽ quy trình sản xuất, sào đậu của anh phát triển rất tốt và gần như không bị sâu bệnh gây hại. Anh Bình vừa thu hoạch được 160kg đậu phụng khô, thu về trên 2,7 triệu đồng. Anh Bình phấn khởi cho biết: Trồng đậu phụng trúng hơn mì, giá bán ổn định và cao hơn. So với cây mì thì trồng đậu hiệu quả gấp 3- 4 lần. Bởi vì cây đậu trồng được quanh năm, nhanh cho thu hoạch (trung bình khoảng 3 tháng là thu hoạch được), trong khi đó cây mì thì gần 1 năm mới cho thu hoạch.
Ông Trần Văn Thành- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Khánh cho biết: Những năm trước nhân dân vùng này chủ yếu trồng mì, mía, nhưng năng suất thấp, giá cả không ổn định nên thu nhập cũng bấp bênh (vì phần lớn diện tích là đất cát bạc màu và khô cằn, không chủ động được nước tưới tiêu). Trước kia một số hộ dân cũng đã chuyển sang trồng đậu phụng, nhưng lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, chưa am tường kỹ thuật canh tác, nên năng suất đậu phụng rất thấp.
Chính vì vậy để giúp nông dân nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo đúng yêu cầu nhằm góp phần tăng năng suất, sản lượng đậu phụng, trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Hội Nông dân triển khai mô hình này. Mô hình được triển khai đã mở ra triển vọng mới cho vùng đất này về loại cây trồng có hiệu quả cao. Không chỉ anh Bình, mà cả 19 hộ dân tham gia mô hình này đều có một vụ đậu bội thu. Theo ông Thành với năng suất bình quân chung đạt từ 1,6-1,7 tạ/sào, với giá bán như hiện nay thì mỗi sào sau 3 tháng bà con thu lãi trên 1,6 triệu đồng.
Cây đậu phụng với khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp trên chân đất cát nghèo dinh dưỡng, năng suất vượt trội, vốn đầu tư ít, được hướng dẫn kỹ thuật, thời gian thu hoạch nhanh, đầu ra thuận lợi, nên mô hình này đang rất hấp dẫn bà con vùng đất cát của Phổ Khánh. Ngoài việc cho thu nhập cao, thân cây đậu còn được dùng làm phân bón cho các loại cây trồng vụ tiếp theo, nên đất được tạo độ màu mỡ cao. Người dân còn tận dụng nguồn phụ phẩm của đậu phụng (thân cây đậu, bánh dầu) để phát triển chăn nuôi và làm phân bón cho nhiều loại cây trồng, năng suất cao, giảm chi phí mua phân bón cho cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Từ những thành công ban đầu, Hội Nông dân xã Phổ Khánh đang có kế hoạch phối hợp với Trạm khuyến nông huyện mở rộng diện tích trồng đậu phụng lên khoảng hơn 20 ha tại 4 thôn ven biển của xã (Quy Thiện, Phước Điền, Phú Long, Trung Hải). Đây là một trong những cây trồng chủ lực của vùng đất cát bạc màu ở vùng ven biển Đức Phổ.
Cây đậu phụng với khả năng kháng bệnh tốt, phù hợp trên chân đất cát nghèo dinh dưỡng, năng suất vượt trội, vốn đầu tư ít, được hướng dẫn kỹ thuật, thời gian thu hoạch nhanh, đầu ra thuận lợi, nên mô hình này đang rất hấp dẫn bà con vùng đất cát của Phổ Khánh. Ngoài việc cho thu nhập cao, thân cây đậu còn được dùng làm phân bón cho các loại cây trồng vụ tiếp theo, nên đất được tạo độ màu mỡ cao. Người dân còn tận dụng nguồn phụ phẩm của đậu phụng (thân cây đậu, bánh dầu) để phát triển chăn nuôi và làm phân bón cho nhiều loại cây trồng, năng suất cao, giảm chi phí mua phân bón cho cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Từ những thành công ban đầu, Hội Nông dân xã Phổ Khánh đang có kế hoạch phối hợp với Trạm khuyến nông huyện mở rộng diện tích trồng đậu phụng lên khoảng hơn 20 ha tại 4 thôn ven biển của xã (Quy Thiện, Phước Điền, Phú Long, Trung Hải). Đây là một trong những cây trồng chủ lực của vùng đất cát bạc màu ở vùng ven biển Đức Phổ.
Bài, ảnh: Ngọc Đức