(QNg) - Tận dụng những bãi bồi ven sông Phước Giang, người dân ở các xã Hành Nhân, Hành Dũng... (Nghĩa Hành) đã trồng dâu nuôi tằm. Nghề này cũng lắm lúc thăng trầm, nhưng người dân luôn cố gắng giữ nghề để cải thiện cuộc sống của mình...
Nắng nóng gay gắt nhưng những bãi dâu ven sông Phước Giang vẫn xanh ngắt một màu. "Đó là nguồn nuôi sống của con tằm để nhả tơ và cũng là nguồn sống của hàng trăm hộ dân sống ven sông Phước Giang. Bởi nguồn thu nhập từ việc trồng dâu nuôi tằm lâu nay cao hơn nhiều cây trồng khác. Đặc biệt, thời điểm hiện nay một kg kén có giá trị đến 75.000 đồng, cho thu nhập khoảng 600.000 đồng/sào/tháng là cao nhất từ trước đến nay" - Ông Nguyễn Tấn Thanh - Trưởng thôn Bình Thành, xã Hành Nhân cho biết.
* Thăng trầm của nghề
Ven sông Phước Giang tuy là bãi bồi nhưng diện tích đất hẹp, người đông mà cuộc sống nhà nông chỉ bám ruộng đồng. Làm gì để đạt hiệu quả cao trên một chân đất là niềm mong mỏi của nhiều người? Ban đầu bà con nơi đây chọn xen canh gối vụ các loại cây truyền thống như: Đậu phụng, bắp, mì nhưng tính ra nguồn thu nhập vẫn không cao. Năm 1999 Công ty Dâu tằm tơ Quảng Ngãi vận động nông dân chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng dâu nuôi tằm và cam kết bao tiêu sản phẩm. Cây dâu đã bén duyên với đồng đất ven sông này. Cứ mỗi mùa mưa lũ qua, nước sông dâng cao gây ngập xóm làng, đồng đất được bồi đắp thêm phù sa, cây dâu không cần bón phân vẫn xanh tốt. Bà con trong làng lại cùng nhau chẻ tre đan nong, đan vỉ, lợp chòi và học cách nuôi tằm.
Anh Bùi Đình Lâm, thôn Bình Thành (xã Hành Nhân), kể: Lần đầu tiên nuôi tằm, ai cũng háo hức, đến khi nhận giống về ươm, trứng nở thành hàng ngàn con như con sâu nhỏ, ai cũng hy vọng biết đâu từ con sâu này mà cho mình cuộc sống khá hơn. Thận trọng trong mọi khâu từ việc hái lá, cho tằm ăn đến thay phân, chăm sóc cho tằm để thích nghi với thời tiết, anh Lâm đã có nguồn thu nhập từ 2 triệu đồng/sào/năm (cao gấp 3 - 4 lần so với trồng mì, trồng bắp, và các loại hoa màu khác). Dần dần giá tằm tăng lên, diện tích trồng dâu dọc dài ven sông Phước Giang ngày càng được mở rộng.
Cây dâu phát triển tốt ở đồng đất phù sa ven sông |
Cây dâu bén rễ với đồng đất chưa được lâu thì đến năm 2003, giá kén hạ dài. Công ty Dâu tằm tơ Quảng Ngãi bị phá sản, thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm quá thấp, nhiều người đã phá gốc dâu chuyển sang trồng cây truyền thống. Cuộc sống của một số hộ dân lam lũ trở lại như xưa. Có nhiều gia đình đã quen với công việc và âm thanh rào rào khi tằm ăn dỗi, quen với những ngày con tằm nhả tơ kết kén nên họ nhất định không bỏ nghề.
*Kiên trì rồi cuộc sống cũng khá hơn
Ông Nguyễn Bá Thịnh, ở thôn Bình Thành xã Hành Nhân, nói: Hồi đó, 4 sào đất nà trồng dâu ven sông đành phải phá hết 3 sào trồng hoa màu mưu sinh, vợ chồng tôi quyết định dành lại một sào để trồng dâu nuôi tằm. Diện tích nhỏ, số lượng nuôi tằm cũng ít, kén làm ra không nơi nào mua, chúng tôi phải liên hệ bán cho các tư thương tận Lâm Đồng. Đến 2008 người tiêu dùng ưa chuộng lụa tơ tằm, người ở Lâm Đồng về Nghĩa Hành mở doanh nghiệp thu mua kén và khuyến khích bà con trồng dâu nuôi tằm nên giá kén bắt đầu nhích lên. Cứ thế ổn định và tăng dần cho đến hôm nay.
Anh Nguyễn Tấn Thanh, thôn Bình Thành, phấn khởi: Mới bán được 35 kg kén, với giá 75.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so năm ngoái. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm mà trong 4 người con của anh đã có hai người bước vào giảng đường đại học. Hằng tháng anh phải chu cấp 1,5 triệu đồng cho con đang học nơi xa từ tiền nuôi tằm. Nhà cửa anh cũng đã xây dựng kiên cố, có thể chống chọi được với nước lụt hằng năm tràn vào. Anh Thanh nói "Vì yêu nghề, chăm chút với nghề nên sống được với nghề, chứ có giỏi gì đâu" sau một chu kỳ nuôi tằm, anh thu nhập hơn 2,6 triệu đồng/hộp giống/8 sào lá dâu. Như ngay thời điểm giá kén của con tằm rớt giá như những năm 2003 -2005 -2007, anh vẫn có lãi cao hơn trồng các loại hoa màu khác.
Còn với anh Lê Văn Nhàn, thôn An Hòa, xã Hành Dũng sáng nào anh cũng đi khắp các xã Hành Thịnh, Hành Thiện, Hành Tín Đông... Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) dọc ven sông Phước Giang, Sông Vệ, Sông Trà - nơi có diện tích trồng dâu nuôi tằm để cung cấp con giống và thu mua. Để có nguồn giống này, vợ chồng anh phải trồng 10 sào dâu ven sông để đáp ứng đủ nguồn lá nuôi ươm khoảng 30 hộp giống tằm/tháng. Ươm một hộp trứng giống nở thành cả ngàn con "sâu" nhỏ, loại bỏ được con bệnh, vợ chồng anh phải căng mắt tìm. Ươm khoảng 12 ngày thì anh xuất bán, một hộp ươm đến khi bán chừng 7 kg (430.000 đồng/kg). Bình quân lãi gần bằng nghề nuôi tằm thịt nhưng nhọc hơn rất nhiều.
Thấy ngày đêm quần quật với công việc các con bảo nên chuyển sang nghề nuôi tằm thịt nhưng vì chữ tín với khách hàng, với doanh nghiệp, anh Nhàn vẫn mãi duy trì nghề ươm tằm giống. Bây giờ, thời điểm giá kén tăng cao nên diện tích trồng dâu trên đất bồi ven sông Nghĩa Hành và một số huyện khác như Tư Nghĩa, Sơn Tịnh được mở rộng. Công việc của anh càng vất vả hơn. "Vất vả nhưng bà con biết kỹ thuật trồng, nuôi con giống mới, đem lại nguồn thu nhập cao trên vùng đất thiếu nước tưới ven sông là vui" - anh Nhàn bộc bạch. Nghề trồng dâu nuôi tằm bên sông Phước Giang quả lắm thăng trầm. Nhưng nghề này đã đem lại sự no ấm cho nhiều hộ dân bên những dòng sông.
***
Bà Nguyễn Thị Phượng - Chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất dâu tằm tơ Minh Phượng, cho biết: Hiện nay, nguồn kén tằm ở Quảng Ngãi chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp chúng tôi thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con vẫn không đủ để cung cấp cho các Công ty, xí nghiệp lớn ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Phước và các nơi khác. Giá mỗi kg kén mua tại xưởng hiện từ 70 - 85.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Chúng tôi đang có chính sách khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm.
MH