Mạnh tay xử lý việc khai thác đá san hô

02:07, 09/07/2010
.

 


(QNĐT) - Khai thác đá san hô biển rộ lên từ nhiều tháng nay tại vùng ven biển huyện Bình Sơn đang gây ảnh hưởng xấu đến  môi trường sinh thái biển và làm gia tăng nạn sạt lở.

Khai thác kiểu phá hoại
   
Thời gian qua, tại các gành biển ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn rộ lên tình trạng khai thác đá vôi biển. Mỗi ngày tại đây ước có khoảng 50 mét khối đá vôi biển bị “đào” đưa lên cạn để bán cho các thương lái phục vụ thú chơi hòn non bộ, phối cây cảnh khắp nơi…
 
Bờ biển bị sạt lở nặng do khai thác đá san hô
Bờ biển bị sạt lở nặng do khai thác đá san hô

Do khai thác theo kiểu phá hoại nên chỉ trong một thời gian ngắn, các bãi đá san hô biển bị đào xới nham nhỡ, gành biển bị biến dạng.

Ông Dương Thuần, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn – một ngư dân có thâm niên khai thác hải sản gần bờ bức xúc: “Khai thác rong biển giết chết thủy sản đã đành, nhưng lấy hết đá san hô dưới biển thì càng nguy hiểm hơn. Ngày trước, ở gành biển Thanh Thủy này nhiều tôm, cá vào trú ngụ quanh các bãi đá san hô nhưng giờ thì cạn kiệt. Còn chỗ nào để cho tôm, cá vào trú và sinh sản...”.

Một thực tế thấy rõ là việc khai thác ồ ạt san hô biển đã làm cho dọc bờ biển tại đây bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Đá sa hô “hút hàng” người dân vẫn lén lút khai thác
Đá sa hô “hút hàng” người dân vẫn lén lút khai thác

Chỉ tay vào bờ biển bị nước biển ngoạm sâu hàng chục mét trong cơn bão số 9 vừa qua, ngư dân Bùi Tuấn nói: “Nếu như dọc bãi biển này không bị mất những rạng đá san hô thì không có chuyện biển lấn sâu vào đất liền như thế này. Nếu có đá san hô thì khi sóng bổ vào, đá san hô sẽ cản sóng mà giữ làng cho dân…”.

Quyết liệt ngăn chặn

Ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: Ngay khi Nghị định 31/2010/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, UBND xã đã đến tận các thôn xóm vùng ven biển để phổ biến cho người dân đồng thời ra thông báo rộng rãi nghiêm cấm khai thác, vận chuyên, mua bán đá san hô biển dưới mọi hình thức.
Nghiêm cấm khai thác, vận chuyển đá san hô dưới mọi hình thức
Nghiêm cấm khai thác, vận chuyển đá san hô dưới mọi hình thức

“Đến nay, phần lớn người dân đã chấp hành nghiêm túc. Chúng tôi tiếp tục bố trí lực lượng liên tục kiểm tra, quyết không để người dân tiếp tục phá biển bằng việc khai thác đá san hô” – ông Thiện nói.

Khi chưa có Nghị định 31 của Chính phủ, một mét khối đá san hô được bán với giá từ 80.000 - 120.000 đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, ở thời điểm hiện nay, giá cho mỗi mét khối san hô biển “đội lên” từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, tùy từng loại.

Chính vì giá đắt đỏ nên vẫn còn tình trạng một số người dân lén lút vận chuyển đá san hô đưa đi tiêu thụ.

Rạng sáng ngày 2/7, Đồn biên phòng 288, đóng tại thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, trong đợt tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép đá san hô biển theo Nghị định 31 của Chính phủ, đã phát hiện và bắt quả tang 3 xe tải đang vận chuyển trái phép đá san hô biển tại thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.

Ba đối tượng bị bắt giữ cùng 3 xe tải chở 15 khối đá san hô biển gồm Phạm Tịnh, Nguyễn Đông và Lê Mạnh Hiền – đều ngụ huyện Bình Sơn. Toàn bộ tang vật đã bị cơ quan chức năng thu giữ.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, trước đó, UBND xã cũng đã lập biên bản xử lý 3 trường hợp vi phạm do vận chuyển trái phép đá san hô biển.
   

Theo Nghị định 31, việc khai thác, vận chuyển, buôn bán đá san hô biển sẽ xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng đối với từng trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục bố trí lực lượng, kiểm tra và ngăn chặn nạn khai thác đá san hô biển tại các địa phương…

                MINH HUY

.