(QNg) Trong những năm qua, trạm khuyến nông các huyện miền núi tỉnh ta đã triển khai nhiều mô hình như nuôi heo thịt nhốt chuồng, trồng cỏ nuôi bò, xây dựng cây rơm, nuôi cá thương phẩm, trồng lúa nước theo phương pháp mới.… Qua đó, cải thiện tập quán sản xuất, chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân.
Anh Đinh Văn Phiếu, ở thôn Tà Ba - xã Sơn Thượng (Sơn Hà) hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi đàn bò được nuôi theo hướng dẫn của Trạm khuyến nông huyện Sơn Hà. Bò được nhốt trong chuồng trại xây dựng công phu, bên cạnh có cây rơm dự trữ, ngoài ra còn có cả một khoảnh vườn trồng cỏ VA-06 là loại cỏ ưa thích của bò. Anh Phiếu cho biết: Trước đây gia đình nuôi bò thả rông, không biết dựng chuồng cho bò ở, không biết dự trữ thức ăn cho bò vào mùa rét… nên bò thường ốm yếu và dễ chết khi thời tiết lạnh. Vài năm trước, Trạm khuyến nông đưa ra thử nghiệm mô hình nuôi bò lai nhằm phối giống cho bà con ở địa phương. Anh đã tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, nhận bò giống, thực hiện trồng cỏ, dựng cây rơm dự trữ thức ăn cho bò trong mùa rét, ủ chua bã mì làm thức ăn… Đến nay đàn bò rất khỏe mạnh, béo tốt, các lứa bê con sinh ra đều khỏe mạnh.
Người dân huyện Sơn Hà trồng cỏ làm thức ăn cho bò. |
Chỉ trong năm 2009, Trạm khuyến nông Sơn Hà đã xây dựng và thực hiện được 13 mô hình chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi với 141 lớp tập huấn, có trên 3.968 lượt người dân tham gia tập huấn. Các chương trình này, bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Điển hình như mô hình ủ chua bã mì và phối hợp thức ăn tinh làm thức ăn dự trữ cho trâu bò trong mùa mưa bão. Mô hình được đông đảo bà con nông dân hưởng ứng tích cực, vì đây là cách tạo ra nguồn thức ăn mới cho trâu bò, chế biến dễ dàng, có thể dự trữ từ 6-8 tháng mà nguồn nguyên liệu lại có sẵn tại địa phương. Ngoài ra các mô hình như nuôi cá nước ngọt ở Sơn Thượng; trồng giống cỏ mới ở Sơn Kỳ, chăn nuôi trâu bò cải tiến ở thị trấn Di Lăng… đã đem lại kết quả thiết thực cho các hộ nông dân tham gia và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Ở huyện Sơn Tây, công tác khuyến nông đã đem lại hiệu quả nhất định, đặc biệt là trong mô hình trồng lúa nước theo phương pháp sạ thẳng, bón phân, phun thuốc đã thay đổi được tập quán trồng trọt của người dân trong huyện. Nhờ đó nâng cao năng suất và sản lượng lúa từ 21 tạ/ha từ những ngày mới tách huyện lên 31,5 tạ/ha trong thời điểm hiện nay. Anh Đinh Văn Phá ở thôn Huy Em (xã Sơn Mùa) cho biết: Vụ đông xuân vừa qua anh được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ kỹ thuật, giống lúa thực hiện theo mô hình. Với diện tích trồng lúa của gia đình bình thường chỉ thu được 3 bao lúa khô (50kg/bao), thì vụ này năng suất đạt 5 bao lúa khô.
Các vụ trước, anh chưa biết bón phân, phun thuốc nên năng suất thấp, vụ hè thu này đã biết cách sạ và chăm sóc cây lúa, "Mình học theo lời của cán bộ khuyến nông sẽ no cái bụng hơn" - anh Phá bảo. Ngoài ra, huyện Sơn Tây còn có mô hình đạt hiệu quả và được nhân rộng là mô hình nuôi heo thịt nhốt chuồng. Có 12 hộ dân ở Tập đoàn 12 - xã Sơn Bua thực hiện nuôi heo Móng Cái có kết quả tốt.
Anh Đinh Văn Trang - một hộ gia đình nuôi heo cho biết: "Tập quán của bà con mình từ xưa là nuôi con heo đen thả rông chứ không nhốt chuồng. Được khuyến nông hướng dẫn, giờ mình nuôi thêm con heo Móng Cái, dựng chuồng trại, cho ăn và chăm sóc theo hướng dẫn, mình thấy chất lượng so với trước hiệu quả hơn nhiều. Con heo bán ra cũng có giá hơn".
Không chỉ riêng ở hai huyện Sơn Hà, Sơn Tây; các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh ta cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác khuyến nông và đạt được những hiệu quả nhất định trong những năm qua, nâng cao dần chất lượng, hiệu quả trong sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân miền núi tỉnh ta.
Xuân Hiếu