Nuôi cá nước ngọt: Hấp dẫn đồng bào Hrê Ba Tơ

09:06, 02/06/2010
.

(QNg) - Tận dụng những thửa ruộng bên khe suối, những ao hồ để nuôi cá nước ngọt nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho đồng bào Hrê là chủ trương của  huyện Ba Tơ trong những năm qua. Mô hình này đang thu hút hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Hrê.

Mô hình rừng vườn, ao chuồng (RVAC) của ông Phạm Ngọc Anh ở thôn Vả Năng (thị trấn Ba Tơ) rộng chừng ha được phân thành nhiều khoảnh. Bên trên đồi cao thì ông trồng keo, phía dưới triền núi thì trồng mì, trồng thơm, xen những hàng mít... Còn ở chân núi bên cạnh những dãy chuồng chăn nuôi heo là những ao cá nối dài nhau. Rải bột cám xuống hồ nhìn thấy đàn cá trắm cỏ, cá rô phi nổi lên khá nhiều, bà Phạm Thị Êm - vợ ông Anh, bảo: Tôi tận dụng được nguồn nước mát trong lành từ núi cao chảy xuống quanh năm, kết hợp thức ăn từ nguồn nông phẩm trồng trọt, chăn nuôi mà cá lớn như thổi". Nhờ nguồn cá này mà gia đình bà có cái ăn hàng ngày và khi thu hoạch cũng có thêm tiền để mua heo về nuôi, trồng cây lâm nghiệp.
 
Hồ chứa nước Núi Ngang (Ba Tiêu - Ba Tơ) được người dân tận dụng nuôi cá nước ngọt để phát triển kinh tế gia đình.
Hồ chứa nước Núi Ngang (Ba Liên - Ba Tơ) được người dân tận dụng nuôi cá nước ngọt để phát triển kinh tế gia đình.

Ngày trước trên các bản làng Ba Tơ, gia đình bà Êm cũng giống bao gia đình đồng bào Hrê khác sống ở những triền núi. Cuộc sống của họ chủ yếu  phát nương làm rẫy và chiều xuống lại mò cua, bắt ốc, kiếm cá quanh những con suối nên nguồn thức ăn rất khó khăn. Nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, người già thường xuyên đau yếu về ăn không đủ dinh dưỡng... Năm 1999 - 2000, huyện Ba Tơ thực hiện chủ trương tận dụng các ao, hồ nuôi cá nước ngọt, để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho đồng bào và góp phần phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu triển khai từ một nhóm hộ có ao, hồ tự nhiên thực hiện nạo vét thả nuôi cá. Con cá lớn lên từ nguồn thức ăn thiên nhiên và nguồn phụ phẩm như: Tổ kiến, lá mì, lá cỏ và bột cám...  Sau hai năm nuôi cá đạt hiệu quả, nhiều người làm theo. Trạm khuyến nông Ba Tơ tiếp tục triển khai mô hình ra diện rộng. Theo thống kê đến nay toàn huyện Ba Tơ có khoảng 800 hộ nuôi cá nước ngọt, bình quân mỗi ao có diện tích 300m2. Ngoài diện tích ao nuôi của hộ gia đình, Trạm khuyến nông Ba Tơ còn tận dụng các hồ thủy lợi lớn như hồ Núi Ngang, Tôn Dung để nuôi cá theo tính chất cộng đồng.

Ông Phạm Văn Thành ở vùng tái định cư hồ Núi Ngang (xã Ba Liên), cho biết: Ở ngoài vùng này không gần con suối như ở trong Vạt Liêm - nơi ở cũ. Muốn ăn con cá nước ngọt cũng không biết bắt ở đâu. May nhờ cán bộ Trạm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trong hồ Núi Ngang mà bữa cơm thường ngày của bà con được cải thiện rất nhiều".
 
Bà Phạm Thị Êm chăm sóc cá ở ao nuôi của mình.
Bà Phạm Thị Êm chăm sóc cá ở ao nuôi của mình.

Hơn 5 năm nay, gia đình ông Thành không chỉ có nguồn thức ăn tươi từ con cá nuôi được trong hồ, mà còn bán để có thêm thu nhập. Ông Thành khoe: "Mỗi ngày bình quân  bán cá cũng thu được trên 50.000 đồng. Số tiền này đủ chi dùng trong gia đình và thỉnh thoảng may áo mới cho bọn nhỏ đến trường".

Năm 2001 Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ phối hợp với Sở Thủy sản triển khai cho 30 hộ nông dân nghèo ở các thôn: Đá Chát, Hương Chiêng và Núi Ngang tập huấn nuôi cá cải thiện cuộc sống. Giúp những hộ Hrê nghèo ở vùng tái định cư Núi Ngang nuôi cá nước ngọt cải thiện cuộc sống là việc làm đầy trách nhiệm với dân. Bởi bà con chuyển ra vùng này để nhường đất cho việc xây dựng hồ chứa nước Núi Ngang, họ đành phải xa nơi sản xuất, ruộng vườn, xa cả con suối, đồng nghĩa với việc xa luôn tập tục và thói quen hàng ngày mò ốc, bắt cá để có nguồn thức ăn hằng bữa. Từ bước đầu thiếu thốn nên việc áp dụng kỹ thuật nuôi cá của bà con được triển khai nhanh chóng. Đến nay nhiều hộ đã có nguồn thu nhập từ nuôi cá trong lòng hồ ổn định, bình quân mỗi hộ cũng kiếm được 10 triệu đồng/năm. Anh Phạm Văn Diên (thôn Đá Chát) phấn khởi, nói: Nhờ nuôi cá trong hồ, có nguồn thu nhập ổn định nên mình mới được thoát nghèo đấy".

Ông Nguyễn Thanh Lực - Phó Trưởng Trạm khuyến nông huyện Ba Tơ cho biết: Trạm đang hướng đến nuôi cá lồng trên hồ lớn. đối với những ao, hồ nằm cạnh suối thì nuôi cá đặc sản bản địa (cá niên, cá chạch) hay nuôi cá có giá trị kinh tế cao, như: cá bống, rô phi lai... Trên cơ sở này Trạm khuyến khích nông dân tham gia mô hình RVAC để hướng đến phát triển kinh tế bền vững. Mô hình được triển khai với điều kiện bên trên phải có địa thế trồng rừng để giữ nguồn nước, trong vườn trồng những cây nguyên liệu, mì, bắp... để phục vụ chăn nuôi. Từ nguồn phân chăn nuôi để bón lại cho cây trồng và làm chất mùn để nuôi cá dưới ao. Trong quá trình thu hoạch, nếu mặt hàng này mất giá thì bù lại mặt hàng khác. Có vậy, kinh tế nông dân mới ổn định và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MAI HẠ

.