Nuôi cá mú lồng: Cách làm giàu của ngư dân ven biển

01:06, 17/06/2010
.

(QNĐT) -Những năm gần đây một số hộ dân ở xã ven biển Bình Thuận (Bình Sơn) đã tận dụng tiềm năng sẵn có ở địa phương để phát triển nghề nuôi cá mú lồng, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Hiện nay cá mú bông đang là đối tượng nuôi hấp dẫn vì được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
     
Đến xã Bình Thuận, hỏi thăm anh Lê Quang Khanh (30 tuổi), ở thôn Tuyết Diêm 2 ai cũng biết. Anh là người đầu tiên ở xã, huyện mạnh dạn vay vốn đầu tư lồng bè nuôi cá mú bông.

Anh Khanh cho biết: Học hết cấp II là theo cha đi biển nhưng thấy nghề này cực nhọc vì quanh năm suốt tháng cứ lênh đênh trên biển. Nhà anh ở gần cửa sông Đầm, con sông nối liền với biển rất thuận lợi cho việc nuôi các loài thuỷ hải sản. Tận dụng lợi thế này, năm 2000 anh vay mượn 15 triệu đồng làm lồng nuôi cá mú bông.
Ông Nguyễn Long cho thức ăn vào ống cho cá ăn trong lồng chìm
Ông Nguyễn Long cho thức ăn vào ống cho cá ăn trong lồng chìm
Năm đầu chưa có kinh nghiệm anh chỉ nuôi 2 lồng với số lượng 300 con. Con giống được mua tại tỉnh Quảng Nam với giá từ 27.000 đến 30.000 đồng/con  đem về thả nuôi đến khi cá đạt trọng lượng khoảng  0,7 kg/con trở lên thì xuất bán. Thấy việc nuôi cá mú đem lại hiệu quả, những năm tiếp theo anh đầu tư vốn làm thêm lồng để tăng số lượng cá lên 2.000 con. 

Năm 2007, 2008 anh thả nuôi 2.300 con trong 20 lồng: bao gồm 6 lồng nổi và 14 lồng chìm, mỗi lồng có kích thước khoảng gần 10 m2. Lồng chìm được làm bằng lưới sắt có gắn 1 ống nhựa dài chừng 3 đến 4 mét, sao cho ống nhô lên khỏi mặt nước từ 0,8 mét trở lên để cá lấy thức ăn từ ống; còn lồng nổi xung quanh phải kết các phi thùng, liên kết lại thành bè dài.

Hai năm đó mỗi năm anh thu gần 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng/năm.

Năm 2009 đàn cá của anh bị bão số 9 cuốn trôi hết 1 nửa nên chỉ đủ vốn. Hiện nay anh đang thả nuôi 6 ô lồng với số lượng 1.000 con đã được  3 đến 4 tháng tuổi và tiến hành thu hoạch 4 ô lồng khác để ung cứng cho các nhà hàng; 10 lồng còn lại sẽ thả nuôi trong tháng 7 tới, vì hiện  tại chưa có con giống.

Hiện nay cá  cân nặng từ 0,7 đến 1,4 kg anh bán với giá 250.000/kg, đây là cá loại trung nên có giá cao; cá cân nặng từ 1,5 đến 2,3 kg lại bán giá  thấp hơn 220.000 đồng/kg, còn cá  cân nặng dưới 0,7 kg chỉ bán được 180.000/kg. Đó là giá bán dành cho cá  mú còn sống chứ nếu bị chết sẽ giảm đi nửa số tiền. 

Theo anh Khanh nuôi cá mú lồng không khó,  mà trước hết phải có địa điểm nuôi thích hợp. Mỗi ngày chỉ nên cho cá ăn một lần bằng đủ loại cá tạp cắt nhỏ nhưng phải lựa vào thời điểm nước thủy triều lên. Vì lúc đó dòng nước lớn sẽ cuốn trôi cặn bã trong lồng, cá như được tắm gội sạch sẽ nên ăn thức ăn nhiều hơn giúp chúng mau lớn. 

Sau mỗi lần cho ăn khoảng vài giờ đồng hồ, anh lặn xuống dưới đáy lồng xem thức ăn còn hay hết để tăng số lượng thức ăn cho chúng. Cá mú có rất nhiều loại như cá mú bông, mú mè, mú đỏ, cá mú chấm đen... trong đó cá mú đỏ đánh bắt được ngoài biển là ngon nhất và để phân biệt cá nuôi với cá biển thì chỉ cần nhìn vào thân mình của chúng, cá nuôi mập hơn cá biển.

Còn gia đình ông Nguyễn Long cũng ở cùng thôn Tuyết Diêm 2 cho biết: Thấy anh Khanh  nuôi cá mú lồng vừa đem lại hiệu quả nên học hỏi kinh nghiệm làm theo và đã nuôi được 9 năm nay. Do bận rộn với nghề biển nên  hiện nay ông chỉ nuôi 7 lồng  với khoảng 1.100 con. Những lúc ông không có thời gian  chăm sóc thì giao công việc này lại cho vợ con.
 
Anh Khanh đang thu hoạch cá
Cá được thu hoạch tại các lồng.

Mấy  năm gần đây năm nào ông cũng có thu nhập trên 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lại 80 triệu đồng/năm. Nuôi loại cá này cũng  ít bị dịch bệnh  nếu có bị  chỉ những bệnh đơn giản như nấm, ghẻ lở, đường ruột... khi đó dùng thuốc điều trị sẽ khỏi, vì vậy tỷ lệ sống đạt rất cao (trên 86%).

Anh Nguyễn Hữu Thái - Phó chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội nghề cá xã Bình Thuận cho biết: Từ cách làm của anh Khanh, ông Long đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay ở xã, mà tập trung chủ yếu là thôn Tuyết Diêm đã có 7 hộ gia đình phát triển nghề nuôi cá mú lồng.

Để nghề nuôi cá mú lồng phát triển hơn trong thời gian đến, Hội nông dân cũng như chính quyền xã Bình Thuận sẽ phối hợp các ngành liên quan đề xuất kiến nghị về nguồn vốn vay và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhân dân, nhất là các hộ ven biển có điều kiện phát triển mô hình này.

Bài, ảnh: Nguyên Hương

.