(QNg) - Theo chỉ dẫn của lãnh đạo xã Bình Châu (Bình Sơn), tôi tìm đến nhà anh Võ Văn Pháp (56 tuổi) - một điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi ở thôn Châu Thuận Biển. Đang tất bật trong nhà xưởng với việc hấp, sấy cá, song anh vẫn vui vẻ tiếp chuyện tôi.
Anh Pháp kể: Trước năm 2000 cuộc sống của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn; lắm lúc phải vay mượn, nợ nần. Hai vợ chồng cần cù làm đủ mọi việc, song cũng không thấy dư giả chút nào. Nhiều đêm trăn trở thao thức, bất chợt trong cái khó đã "ló" ra cái khôn. Quê tôi là vùng biển bãi ngang, có nghề đánh bắt cá cơm.Vợ chồng đã bàn nhau lập nhà xưởng, sắm ghe máy để đi thu mua cá đem về luộc hấp, sấy khô bán ra thị trường. Công việc làm ăn cứ thế tiến triển hẳn lên, xóa bỏ được đói nghèo, lam lũ….
Nghề chế biến cá cơm đã và đang giúp nhiều hộ dân ở xã Bình Châu vươn lên làm giàu. Ảnh: P.D |
Buổi đầu lập nghiệp vốn ít, anh Pháp chỉ có một chiếc ghe gắn máy Đông Phong (12 C.V) để đi thu mua, cùng với một số dụng cụ cần thiết phục vụ cho chế biến quy mô hấp, sấy cá 200 vỉ/ ngày. Công ăn việc làm ngày càng ổn định. Vợ chồng anh mạnh dạn vay thêm tiền của bạn bè, bà con trong vùng, cộng với số vốn giành dụm được để đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay anh đã có chiếc tàu công suất 60 CV; một nhà xưởng rộng 1.200m2 với đầy đủ các loại dụng cụ chế biến quy mô hấp, sấy cá 2000 vỉ/ngày và một nhà cho người lao động nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc.
Tổng nguồn vốn kinh doanh của anh hiện lên đến trên 500 triệu đồng (vốn cố định khoảng 400 triệu đồng). Sản xuất kinh doanh của gia đình ngày một tăng nhanh, đem lại lợi nhuận bình quân hằng năm khoảng 300 triệu đồng. Anh đã giải quyết việc làm ổn định, thường xuyên cho 15 - 20 lao động ở địa phương; mỗi lao động tùy theo công việc được trả công từ 70.000 đến 100.000 đồng/người/ngày. Nhà cửa đã được xây dựng khang trang, có nhiều loại tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Các loại nghĩa vụ đối với Nhà nước được gia đình hoàn thành đầy đủ. Anh được bình chọn là điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2000 - 2010; gia đình nhiều năm được địa phương công nhận gia đình văn hóa. Anh cho biết thêm nếu được các cấp ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi sẽ tiếp tục nâng cấp nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất lên gấp đôi, gấp ba lần so với hiện nay.
Ông Nguyễn Khắc Thơ - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Châu khẳng định: Không chỉ riêng gia đình anh Pháp, mà nhiều gia đình làm nghề chế biến hấp, sấy cá khác ở địa phương... đều đã tạo dựng được cơ ngơi kinh tế đàng hoàng, có thu nhập hằng năm từ 70 đến trên 100 triệu đồng/năm. Con cá cơm ở Bình Châu từ chỗ ít có giá trị kinh tế, quẩn quanh tại các vùng chợ quê trong huyện, trong tỉnh, nay đã có mặt ở nhiều nơi trong nước; được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; từ chỗ chỉ có giá bán 3.000 - 4.000 đồng/kg đã vọt lên 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hội Nông dân xã đang có những định hướng, biện pháp để phát triển thế mạnh của nghề chế biến hấp, sấy cá này trong thời gian đến…
Ông Nguyễn Khắc Thơ - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Châu khẳng định: Không chỉ riêng gia đình anh Pháp, mà nhiều gia đình làm nghề chế biến hấp, sấy cá khác ở địa phương... đều đã tạo dựng được cơ ngơi kinh tế đàng hoàng, có thu nhập hằng năm từ 70 đến trên 100 triệu đồng/năm. Con cá cơm ở Bình Châu từ chỗ ít có giá trị kinh tế, quẩn quanh tại các vùng chợ quê trong huyện, trong tỉnh, nay đã có mặt ở nhiều nơi trong nước; được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; từ chỗ chỉ có giá bán 3.000 - 4.000 đồng/kg đã vọt lên 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hội Nông dân xã đang có những định hướng, biện pháp để phát triển thế mạnh của nghề chế biến hấp, sấy cá này trong thời gian đến…
HOÀNG GIANG