Hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm ở Đức Hòa

07:06, 20/06/2010
.

(QNg) -Những năm qua, xã Đức Hòa (Mộ Đức) đã mở rộng nhiều mô hình sản xuất mới để giúp nông dân có cuộc sống ổn định. Trong đó mô hình trồng nấm rơm được xem là hiệu quả nhất, bởi vốn đầu tư ít, mau thu hoạch và mang lại lợi nhuận cao, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trong xã, đặc biệt là ở  thôn Phước Toàn (Đức Hòa). 

Thôn Phước Toàn nay được xem là cái nôi của nghề trồng nấm rơm của xã Đức Hòa, bởi nghề trồng nấm rơm đã trở thành nghề chính của hơn 15 hộ dân ở đây.

Chúng tôi ghé thăm trại nấm của gia đình bà Hồ Thị Bốn- người có thâm niên gần chục năm làm nấm ở đây, và thấy bà đang tất bật với công việc xuống giống, vô meo nấm rơm cho vụ mới. Bà Bốn nói: "Không nghề nào làm ra tiền nhanh như trồng nấm rơm. So với trồng các loại cây khác thì nấm rơm mau cho lợi nhuận hơn, quay vòng nhanh.
 
Trồng loại này thời gian thu hoạch rất ngắn, sau khi rải meo giống khoảng 1 tháng là thu hoạch được. Giá bán nấm rơm hiện nay cũng khá ổn định. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế thì trồng nấm rơm thu nhập gấp 3-4  lần trồng lúa. Trồng lúa thì phải mất 3 tháng mới thu hoạch được, nhưng cực lắm, trừ chi phí lợi nhuận thấp hơn trồng nấm rơm rất nhiều". Từ mô hình này mỗi năm  mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng cho  gia đình bà Bốn.
 
Chuẩn bị cho rơm vào bịch để cấy meo làm nấm.
Chuẩn bị cho rơm vào bịch để cấy meo làm nấm.

Ông Đặng Quang Chiến - người được xem là đã mở đầu cho phong trào trồng nấm rơm ở Đức Hòa cho biết: Thực ra trồng nấm rơm không phức tạp, chỉ cần làm đúng theo quy trình hướng dẫn là kết quả cao. Hiện nay bà con trong xã áp dụng hai phương pháp trồng nấm cơ bản là trong nhà và ngoài trời. Sản xuất nấm trong nhà chi phí đầu tư cao hơn ngoài trời, nhưng năng suất cao gấp đôi. Nghề trồng nấm rơm cho thu nhập cao, dễ tiêu thụ, cứ bỏ ra 1 đồng vốn là có thể thu được 4 đồng lời và rất ít rủi ro.

Trồng nấm có thể tận dụng diện tích khoảng sân trống, góc vườn nhà, nên dễ thực hiện và thu hút nhiều hộ tham gia. Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi trại nấm rơm tương đối thấp hơn so với những ngành nghề khác; chỉ cần khoảng 5 triệu đồng là có thể đầu tư làm một trại sản xuất nấm (mỗi trại diện tích khoảng 30 m2 với khoảng 1.000 túi rơm). Hiện tại gia đình ông có 4 trại sản xuất nấm, mỗi tháng thu họach nấm từ 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 đến 2 ngày. Theo tính toán của ông sau khi trừ chi phí thì sau một vụ (1 tháng) có thể thu lãi gần 1 triệu đồng/trại.
 
Mô hình trồng nấm rơm giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.
Mô hình trồng nấm rơm giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Với 4 trại nấm, mỗi vụ trồng nấm gia đình ông thu lãi từ 4-5 triệu đồng. Hơn nữa trồng nấm cũng không phải chăm sóc vất vả, dãi dầm nắng mưa như trồng những loại nông sản khác  ngoài đất vườn, đất ruộng.... "Nếu như trước đây trồng nấm theo mùa, thì nay nấm được làm quanh năm, nấm sản xuất ra bao nhiêu cũng bán hết. Ngày thường giá 40-50 ngàn đồng/kg, còn vào dịp Rằm, mồng Một thì mỗi ký nấm bán được tới 60-70 ngàn đồng"- ông Chiến hồ hởi.
 
Ngoài ra người trồng nấm rơm có thể cho thu hoạch nấm theo ý  mình, chủ động được thời vụ, hạn chế được rủi ro. Để nấm  rơm bán được giá cao, thường các hộ trồng nấm sản xuất  cho nấm ra rộ đúng vào dịp rằm và mùng Một (âm lịch) hàng tháng.

Bên cạnh đó theo ông Chiến: Nghề trồng nấm rơm còn tận dụng được thời gian nông nhàn của mọi lứa tuổi trong gia đình, giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động tại địa phương. Từ đó đã giảm được tình trạng ly hương của người dân, nhất là lớp trẻ như trước đây. Các gia đình sản xuất nấm còn  tổ chức đổi công cho nhau (hôm nay tập trung làm nấm ở nhà này, ngày mai sẽ đổi qua nhà khác), nên chi phí thuê mướn nhân công không nhiều, lại gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm của người dân trong KDC.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Hòa cho biết: Phong trào làm nấm rơm xuất hiện ở xã Đức Hòa từ những năm 1999 -2000. Đến năm 2003 khi được Trung tâm khuyến nông huyện Mộ Đức đầu tư trình diễn mô hình và tập huấn kỹ thuật thì nghề trồng nấm rơm được nhân rộng ra nhiều hộ dân trong thôn Phước Toàn. Hiện toàn xã đã có hơn 25 hộ gia đình đầu tư trồng nấm, với hàng chục trại nấm, riêng ở thôn Phước Toàn đã có gần 40 trại nấm.

Trồng nấm rơm bước đầu đem lại hiệu quả cao, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp làm nấm, sau đó dùng rạ sau khi làm nấm xong  bón cho ruộng đồng, cải tạo đồng ruộng, giữ được môi trường sinh thái ở địa phương. Hội nông dân xã đang lập các dự án giải quyết cho các hộ làm nấm vay vốn, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, để ngày càng nhân rộng mô hình này. Có thể nói những hộ trồng nấm ở xã đều đã có thu nhập ổn định, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, góp phần đáng kể vào thành tích chung của xã trong việc xóa đói giảm nghèo.

       Bài, ảnh: Ngọc Đức

.