Chuyện trồng chè ở huyện miền núi Minh Long

08:06, 10/06/2010
.

(QNg) - Chè là loại cây trồng có mặt lâu đời ở huyện miền núi Minh Long. Trước đây loại cây này đã góp phần tạo thu nhập khá cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, song vài năm trở lại đây, nhất là từ khi cây mì cao sản và keo "lên ngôi", thì diện tích chè ở Minh Long giảm đi đáng kể. 

Đến Minh Long vào đầu hè năm nay, chúng tôi không còn thấy những vạt chè xanh bạt ngàn như trước nữa, mà thay vào đó là những rừng keo, rẫy mì... đang "chiếm lĩnh" phần lớn diện tích sản xuất nông- lâm nghiệp.
 
Ông Đinh Trị - nguyên chủ tịch UBND xã Thanh An, cũng là một trong những hộ đồng bào dân tộc Hrê nhiều năm gắn bó với cây chè Minh Long, nói với tôi: "Cách đây 5 năm chè xanh, sạch và ngon, ở quê tôi nhiều lắm. Sáng sáng, đồng bào rủ nhau lên núi hái chè. Chiều về, mỗi người mỗi gùi xuống chợ bán chè. Ai cũng có tiền lo bữa cơm, bữa cá hằng ngày. Còn bây giờ nhiều nhà không trồng chè nữa, mà trồng sắn, trồng khoai mì".

Lâu nay cây chè xanh ở huyện Minh Long được nhiều người thưởng thức, vì có hương vị đặc trưng. Hương vị ấy bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất Minh Long. Hơn nữa, người trồng chè không dùng thuốc trừ sâu và không bón các loại phân hóa học, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với đặc thù thu hoạch quanh năm, cây chè có thể giải quyết nhu cầu chi tiêu hàng ngày cho người dân.
 
Những năm trước diện tích chè còn nhiều, khi chè được giá bà con có thu nhập kinh tế khá. Kể cả thời điểm hiện nay một lọn chè xanh giá 4.000 đồng, nếu mỗi gia đình có 1ha chè thì bình quân thu nhập mỗi người từ 100 nghìn đến 150 nghìn/ ngày. Tuy nhiên do hậu quả của việc phá chè trồng mì và keo, nên hiện nay ở huyện Minh Long  chỉ còn khoảng 70 ha chè. Điển hình là xã Thanh An - một xã được xem là vùng trọng điểm chè của huyện, trước đây có trên 350 ha giờ  diện tích còn khoảng 45 ha.

Từ năm 2005 anh Đinh Minh Ưng và bà con ở xã Thanh An đã chọn mì là cây trồng chính cho gia đình. Anh Ưng cho biết: "Trước đây bà con chủ yếu thu nhập từ cây chè, nhưng sau này thấy trồng mì có hiệu quả kinh tế, nên lại bỏ chè hết. Ông già bà già mình cũng vậy, trước đây trồng chè, nhờ chè. Nhưng bây giờ người ta trồng mì, trồng keo hết nên mình...". 
 
Thực tế trồng sắn luân canh với cây keo trên đất Minh Long đã và đang cho thấy: ở năm đầu sắn cho năng suất cao, nhưng sang năm thứ 2 năng suất giảm đi một nửa.
 
Đồng bào Hrê huyện Minh Long gùi chè xuống chợ, để trao đổi hàng hoá.
Đồng bào Hrê huyện Minh Long gùi chè xuống chợ, để trao đổi hàng hoá.

Đến năm thứ 3, năng suất tiếp tục giảm dần và là một trong những nguyên nhân gây xói mòn đất và làm ảnh hưởng đến các loại cây trồng về sau. Cũng do vậy mà từ năm thứ 4 đến năm thứ 10, bà con thường chuyển sang trồng keo lai. Hiện nay nhiều hộ dân ở huyện miền núi Minh Long đang tiếc cho cây chè, khi giá cả thu mua và thị trường tiêu thụ cây mì, keo lai bấp bênh, ngược lại chè vẫn giữ được giá trị kinh tế. Tư thương đến tận vườn chè để đặt cọc tiền trước.

Ông Đinh Trị mặc dù còn giữ lại cho gia đình 1ha chè, nhưng vẫn thấy xót: "Nghĩ lại bà con thấy tiếc lắm! Phá hết cây chè, nên giờ trồng lại cũng không kịp, mà cũng không có chỗ để trồng. Bây giờ cây chè cũng mất, tiền cũng mất. Bà con phá chè trồng mì, trồng keo là rất bất lợi..."

Có thể nói cây chè vốn nổi tiếng thơm ngon và được xem là "đặc sản" của huyện miền núi Minh Long. Từ chuyện trồng chè trên đất Minh Long cho thấy, chính quyền địa phương phải có kế hoạch cụ thể, lâu dài, và chỉ đạo sâu sát trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng lâu dài, bền vững. Chia tay bà con ở Minh Long, chúng tôi hy vọng rằng một ngày không xa cây chè sẽ lại lên xanh trên vùng đất này.

          Anh Tuấn- Thiên Hậu

.