Chuyển đổi cây trồng để "né hạn" ở vụ hè thu

10:06, 04/06/2010
.

(QNg) - Bước vào vụ sản xuất lúa hè thu năm nay, nắng  nóng kéo dài, khô hạn xảy ra trên diện rộng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp thì hiện toàn tỉnh có khoảng 10.400  ha ở vùng cuối kênh có khả năng thiếu nước tưới, nên phải chuyển sang cây trồng cạn.
 
TIN LIÊN QUAN


Chuyển đổi để tránh khô hạn
Theo dự tính của ngành nông nghiệp, vụ hè thu năm nay nắng hạn kéo dài sẽ có khoảng 10.400 ha gieo sạ lúa ở vùng cuối kênh có khả năng thiếu nước tưới trầm trọng. Trong đó huyện Bình Sơn khoảng 1.300 ha, Sơn Tịnh 965 ha, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi 1.000 ha, Nghĩa Hành 980 ha, Mộ Đức 1.650 ha, Đức Phổ  243 ha và một số huyện miền núi. Trên cơ sở những diện tích đã chuyển đổi đem lại hiệu quả trước đây và thực tế đầu vụ sản xuất khô hạn trên diện rộng, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con chuyển số diện tích này sang cây trồng cạn như: ngô, đậu, mía và một số cây rau màu tùy thuộc vào chân đất. Ông Võ Hữu Dị - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ cho biết: Toàn huyện có khoảng 600 ha có nguy có thiếu nước tưới trong vụ sản xuất hè thu (khoảng 40 ha không có khả năng xuống giống, huyện đã có chủ trương chuyển đổi số diện tích này sang trồng các loại cây đậu phụng, bắp lai).
 
Nông dân ở vùng khô hạn đang làm đất lúa, để chuyển sang trồng hoa màu.
Nông dân ở vùng khô hạn đang làm đất lúa, để chuyển sang trồng hoa màu.

 Còn ở vùng đồng bằng, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa có nguy cơ thiếu nước sang trồng cây trồng cạn cũng đang được các huyện tập trung triển khai. Ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: Mặc dù diện tích khô hạn trên địa bàn huyện năm nay diễn ra rộng hơn so với các năm trước, nhưng số diện tích này nông dân đã từng chuyển sang trồng cây màu đạt hiệu quả kinh tế cao, nên việc vận động bà con chuyển sang trồng hoa màu là phù hợp. Bà con phải áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, cách đào giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới. 

Hiệu quả trông thấy từ những năm trước
 Thực tế việc chuyển đổi từ trồng lúa bấp bênh (do thiếu nước) sang trồng hoa màu đã diễn ra từ nhiều năm trước. Dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi về vùng cuối kênh Thạch Nham ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), đi qua những cánh đồng có màu xanh của những loại cây rau màu ớt, khổ qua, mướp, nhìn mát mắt. Trên cánh đồng Châu Lê, thôn Vạn An 3, lão nông Trương Ngọc Sang đang xới những luống rau và phấn khởi cho tôi biết: Cánh đồng này trước đây trồng lúa nước nhưng ở cuối kênh Thạch Nham nên thiếu nước, dẫn đến năng suất không cao. Thế rồi ông cùng với nhiều người chuyển sang trồng ớt, rau màu. Nhờ đó những năm kế tiếp vùng rau xanh ở cuối kênh Nghĩa Thương hình thành.

Nhưng để có được những cánh đồng xanh trong mùa hè nắng gắt, ông Sang cùng với nhiều nông dân khác phải dậy từ sáng sớm ra đồng nạo vét sâu lòng kênh chìm cho có nước, rồi dùng gàu tát lên ruộng để tưới cho rau.  Nhọc nhằn nhiều, nhưng thấy thu nhập khá hơn hồi trồng lúa nên bà con phấn khởi tích cóp đóng giếng khoan tưới cho rau. Không dừng lại ở đó nhiều nông dân đã nghĩ cách trồng xen canh gối vụ trên cùng một diện tích, để có rau bán quanh năm. Vụ đông xuân thì bà con trồng rau thơm, bí đao, khổ qua, đậu côve; vụ hè thu thì trồng ớt, bắp, cà tím, đậu xanh... Thu nhập của bà con cao hơn nhiều so với trồng lúa. Riêng gia đình ông Sang bình quân hằng năm thu về  được 25-30 triệu đồng.

Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Với diện tích trồng lúa ở vùng cuối kênh trong vụ hè thu này có khả năng thiếu nước tưới khá lớn so với mọi năm, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang cây trồng cạn, như: mè, đậu phụng, ngô lai... Số diện tích thiếu nước mà không có khả năng chuyển đổi, thì bà con nên gieo sạ lúa hè thu muộn, nhưng phải chấp nhận rủi ro do thời tiết... Còn số diện tích chuyển sang trồng cây rau màu, thì nông dân nên linh hoạt tìm hướng tiêu thụ. Hiện nay ngành cũng đang "đau đầu" cho chuyện "đầu ra" các loại sản phẩn này./.
Rời vùng đất Nghĩa Thương, chúng tôi đi dọc những cánh đồng thiếu nước tưới ở huyện Sơn Tịnh và thấy có những cánh đồng trồng rau màu xanh ngát. Theo ngành nông nghiệp huyện Sơn Tịnh thì việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu đã nhiều năm nay và đều bắt nguồn từ thiếu nước tưới lúa ở vụ hè thu.
 
Tuy nhiên diện tích thiếu nước tưới trên địa bàn huyện Sơn Tịnh quá lớn, nếu để bà con đồng loạt trồng một loại cây rau màu mà thị trường không ổn định, thì nguồn thu nhập sẽ bấp bênh, nên huyện đã khuyến cáo bà con trồng nhiều loại cây phù hợp với từng chân đất. Những vùng đất thiếu nước tưới ở Tịnh Hà, Tịnh Ấn Tây bà con trồng chuối; vùng đất thịt ở Tịnh An và một phần Tịnh Ấn Tây thì nông dân trồng các loại đậu; vùng đất pha cát ở Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh An thì bà con trồng rau; vùng đất Tịnh Giang, Tịnh Thọ, Tịnh Sơn, Tịnh Trà thì trồng mía.  Nhiều nông dân tính toán: Nếu như những vùng trồng lúa mà năng suất đạt đến 70 tạ/ha, thì thu được khoảng gần 30 triệu đồng (bình quân mỗi sào đạt hơn 1 triệu đồng), trong khi đó bà con trồng rau màu như đậu đũa, ớt, côve, xà lách, chuối thu được từ 60-100 triệu đồng/ha (80 triệu đồng/ha thì bình quân cũng thu được 4 triệu đồng/sào gấp 4 lần so với làm lúa) .

Điều mà bà con chuyển đổi cây trồng băn khoăn là, trồng rau màu trong mùa khô, cây phát triển khá tốt, nhưng có khi bị rớt giá thê thảm, nông dân gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Đình Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương cho rằng, phát triển diện tích trồng rau màu trong mùa khô hạn là phù hợp nhưng đề nghị các ngành chức năng cần giúp nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm, thì bà con mới yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: MAI HẠ

.