(QNg) - Sau khi nông dân ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh đắng lòng vì dưa vụ chính mất giá thì hàng loạt người dân vẫn tiếp tục xuống giống dưa trái vụ những mong sẽ "lấy lại những gì đã mất". Kết quả, dưa trái vụ tuy năng suất không cao nhưng lại được giá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Niềm vui dưa được giá
Trong những ngày qua, dạo khắp các cánh đồng dưa ở thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) chúng tôi đều bắt gặp những khuôn mặt rám nắng nhưng rạng ngời niềm vui. Bà con nông dân hồ hởi thu hoạch dưa để bán cho các "tiểu thương".
Anh Cao Xuân Quân (thị trấn Đức Phổ)- người đã có thâm niên với nghề trồng dưa gần 7 năm nay cho biết: Nếu như vụ dưa vừa rồi, với giống dưa Hắc Long anh đã thu hoạch được khoảng 7,5 tấn/5 sào và bán với giá 1.500 đồng/kg thì đến đợt dưa trái vụ anh chuyển sang trồng giống dưa Hắc mỹ nhân, gia đình anh thu hoạch được khoảng 5 tấn/5 sào và bán với giá 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh lãi được hơn 20 triệu đồng. "Sở dĩ dưa trái vụ đợt này có giá cao như vậy là do không có giống nên lượng dưa trồng ít. Đã vậy, dưa trái vụ rất khó trồng, năng suất lại không cao nên lượng cung thấp hơn cầu dẫn đến giá dưa tăng. Hơn nữa, qua đợt thất thu vừa rồi, người dân đã ý thức hơn về chất lượng dưa. Nhờ vậy đã đáp ứng được nhu cầu "khó tính" của thị trường" - anh Quân nhận định.
Anh Quân cho biết thêm: Chỉ cách đây khoảng 2 tuần, gia đình anh Viên thu hoạch được 8,5 tấn dưa/7 sào và bán với giá 7.300 đồng/kg. Đây được xem là giá dưa cao nhất của vụ này. Như vậy sau khi trừ chi phí, anh Viên lãi được khoảng 50 triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng.
Dưa được giá, nhiều tiểu thương và người dân thường xuyên đến các ruộng mua dưa. |
Còn với anh Thanh, không làm dưa nhiều vụ như các hộ khác mà chỉ làm vỏn vẹn một vụ. Với tổng diện tích 5 sào, anh cũng thu hoạch được khoảng 5 tấn dưa. Và sau khi trừ chi phí anh Thanh cũng lãi được khoảng hơn 20 triệu đồng. Anh Thanh bộc bạch: Cây dưa phụ thuộc lớn vào thời tiết, chăm sóc phải tỉ mỉ. Chỉ cần dưa có một triệu chứng lạ là người trồng dưa phải nhanh chóng tìm hiểu bệnh để kịp thời phun thuốc cho cây. Khi dưa gần đến ngày thu hoạch mà trời mưa thì dưa sẽ bị nứt và úng, trồng dưa trái vụ đòi hỏi phải chăm sóc kỹ càng hơn. Vì thời tiết nắng nóng nên sâu bệnh thường xuyên xuất hiện, tốn công và sự đầu tư cũng cao hơn. Bình thường 1 sào dưa mùa vụ chỉ tốn chi phí từ 1 - 1,5 triệu đồng, còn dưa trái vụ có thể lên đến gần 2 triệu đồng/sào. "Tuy nhiên với giá dưa cao ngất ngưởng như thế này thì nghề trồng dưa luôn là lợi thế so với các cây trồng khác" - anh Thanh cười và nói với chúng tôi như thế.
"Nghề dưa lắm lúc cũng vui"
"Nghề dưa lắm lúc cũng vui"
Đó là lời tâm sự của anh Quân cũng như những nông dân khác khi tiếp xúc với chúng tôi. Nhiều nông dân đùa: "Khi nào ra đồng, các anh chị thấy những người có khuôn mặt rám nắng, quần ống thấp ống cao thì đó là những người trồng dưa". Vì trồng dưa rất vất vả, phải dãi nắng dầm sương trong suốt 2 tháng trời ở ruộng dưa. Khi dưa được giá thì hình ảnh những người phụ nữ mang túi xách và bịt kín mặt bước ra ruộng thì đó là các "tiểu thương" đến để mua dưa. Họ mua dưa và cho xe chở sang Trung Quốc bán. Dưa được giá không chỉ mang lại lợi nhuận cho nông dân mà các tiểu thương cũng "vui lây". Còn dưa mất giá thì các tiểu thương cũng "mất tích". Mặc cho nông dân phải ngày đêm lo lắng, tính đủ trăm phương ngàn kế để tìm lối thoát cho ruộng dưa của mình. Và phần lớn dưa phải nằm ngoài ruộng vì giá quá thấp, không đủ trả công thu hoạch, thuê xe... Như vụ dưa vừa rồi, không chỉ riêng Đức Phổ mà nhiều địa phương khác phải bỏ dưa chín ngoài đồng và việc thua lỗ là điều tất nhiên.
Anh Thanh cười hiền: Giá dưa vốn lên xuống thất thường. Thậm chí trong một mùa có đến 5 - 6 giá khác nhau là chuyện thường. Chẳng hạn như mùa dưa năm nay lúc đầu từ 500 - 1.000 đồng/kg, giữa vụ lên 2.600 đồng/kg thì đến cuối vụ là 3.600 - 4.000 đồng/kg. Còn dưa trái vụ thì ban đầu giá dưa cao ngất ngưởng 7.000 - 7.300 đồng/kg, vào giữa vụ còn 6.000 đồng/kg và thời điểm hiện tại giá dưa từ 6.200 - 6.500 đồng/kg.
"Nói chung trồng dưa được ví như đánh bạc vậy. Lúc được lúc mất, lúc giá này lúc giá kia. Tuy nhiên chỉ cần trúng một vụ thì mất vài vụ vẫn có lời" - anh Thanh cho biết. Có lẽ nông dân vẫn duy trì nghề dưa là vậy. Bởi nghề trồng dưa vốn đầu tư không cao, nên khi dưa mất giá thì thiệt hại không lớn.
Bài, ảnh: Trịnh Phương