Thôn Thủy Thạch, Phổ Cường, Đức Phổ: Lúa chết cháy vì khô hạn

08:05, 18/05/2010
.

(QNĐT) - Đã gần 1 tháng nay, bà con nông dân thôn Thủy Thạch - xã Phổ Cường (Đức Phổ) phải vất vã ngày đêm tập trung ra đồng tìm mọi biện pháp  chống hạn cho hơn 40ha lúa hè thu chân cao sạ sớm. Tuy nhiên, những cố gắng của bà con vẫn chưa đem lại kết quả. Nhiều diện tích lúa đã và đang dần héo lá, chết khô vì “khát nước”.

* Nông dân dồn lực cứu lúa

Mới hơn 8 giờ sáng mà đồng ruộng thôn Thủy Thạch trời đã nắng như đổ lửa. Chị Trần Thị Ấp - ở đội 3 vừa chân thấp chân cao từ ngoài ruộng về nhà, mồ hôi nhễ nhại vì nắng nóng. Chị Ấp than thở : Nắng quá, cây lúa chịu không thấu! Gia đình chị canh tác 10 sào ruộng, nhưng vì sợ hạn hán nên vụ hè thu này chỉ sạ 4 sào. Vậy mà từ khi xuống giống đến nay vợ chồng chị phải luân phiên túc trực ngoài ruộng cả ngày lẫn đêm để lấy nước. Nhưng giờ cũng đành bó tay vì không còn nước để lấy. Những đám ruộng cao lúa đã héo lá, chết trắng từng vạt. Nhẩm tính số tiền đầu tư cho 4 sào ruộng từ đầu vụ đến nay đã gần 1 triệu đồng rồi.

Nguồn nước để bơm lên đồng cũng đang cạn dần.
Nguồn nước để bơm lên đồng cũng đang cạn dần.
Không chỉ riêng trường hợp chị Ấp mà hầu hết bà con nông dân trong thôn cũng đang phải chịu cảnh ngày đêm “ ngồi bờ chờ nước”, rồi đành đứng  nhìn cây lúa chết dần. Biết là tiếp tục theo nước thì cầm chắc là lỗ vốn, nhưng nếu bỏ thì bà con lại xót công sức đã bỏ ra !

* Lúa vẫn “khát nước”, chết khô

Đưa chúng tôi ra thăm đồng ruộng dưới cái nắng gay gắt, ông Trần Tình – Trưởng thôn Thủy Thạch xót xa chỉ những thửa ruộng đã trắng đất, nứt nẻ vì nhiều ngày không có nước, cây lúa 1 tháng tuổi ốm yếu như que nhang giờ đã se lá, héo, chết khô từng vạt lớn. Ông Tình giải thích: Đầu vụ, bà con nông dân trong thôn đã dự lường khả năng xảy ra hạn nên chỉ gieo sạ hơn 40ha, giảm gần 1 nửa diện tích so với kế hoạch.

Lúa chết từng vạt lớn do thiếu nước, xì phèn.
Lúa chết từng vạt lớn do thiếu nước, xì phèn.
Do đặc điểm là chân ruộng cao, không chủ động được nguồn nước tưới từ các hồ, đập nên bà con nông dân địa phương phải tổ chức gieo sạ sớm từ ngày 10 đến 15/4/2010 để  tranh thủ nguồn nước tự nhiên đầu vụ. Tuy nhiên, không ngờ trời lại nắng nóng lâu đến vậy. Gần 1 tháng nay, cây lúa trên đồng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng.

Thống kê sơ bộ đến thời điểm này, đồng ruộng thôn Thuỷ Thạch - xã Phổ Cường đã có trên 9 ha lúa đang trong tình trạng héo lá, chết khô do nhiều ngày không có nước tưới. Ngoài ra, cũng do tình trạng thiếu nước tưới nên đã có trên 5 ha ruộng bị xì phèn làm cây lúa chết trắng từng vạt lớn. Nếu trong vòng 10 ngày nữa mà trời vẫn nắng, nước vẫn thiếu thì chắc chắn sẽ mất trắng cả đồng ruộng.
Nguồn nước mạch từ Động Cát và các ao nhỏ đã cạn kiệt, bà con lại chuyển sang nạo vét kênh mương, hợp đồng máy bơm đưa nước từ đầm Lâm Bình ngược lên đồng tưới lúa. 4 chiếc máy bơm loại Đông Phong 20 hoạt động hết ngày này sang ngày khác, nhưng cũng không thể tưới hết diện tích.

Ông Mai Văn Đi - phụ trách bệ bơm số 1 cho biết: Từ đầu vụ đến nay máy bơm đã “ngốn” hết 6 phuy dầu. Còn ở bệ bơm số 2 do phải bơm chuyền nên cũng đã “ngốn” hết 9 phuy dầu mà cây lúa trên đồng vẫn “khát nước”.

Hiện nay mực nước đầm Lâm Bình đang cạn dần, máy bơm hoạt động chừng 5 tiếng đồng hồ thì mương trơ đáy, phải chờ cho nước hồi lại mới có thể tiếp tục bơm. Những đám ruộng gò và xa mương thì đành chịu, nước không tới được, cây lúa đang héo, chết dần qua mỗi ngày nắng nóng.

* Và những giải pháp tình thế...

Cũng theo ông Trần Tình - Trưởng thôn Thủy Thạch thì giải pháp hiện nay của địa phương là thực hiện phương châm “còn nước còn tát”, tập trung huy động bà con nông dân tiếp tục nạo vét sâu tuyến mương dẫn nước từ đầm Lâm Bình vào các máy bơm để đưa nước lên đồng. Khi nào đầm hết nước mới chịu bó tay.

Bên cạnh đó, bà con nông dân địa phương cũng đang rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ thêm nguồn nước tưới từ hồ Liệt Sơn về các máy bơm để kịp thời bơm lên chống hạn, được mức nào hay mức ấy nhằm cứu vãn tình thế cây lúa trên đồng đang “khát nước”, giảm bớt phần nào thiệt hại cho nông dân.
 
Bài, ảnh: Khánh Sơn

.