Ngư dân Quảng Ngãi vẫn bám biển Hoàng Sa

01:05, 10/05/2010
.

(QNg) - Từ lâu, vùng biển Hoàng Sa trở nên quen thuộc đối với ngư dân Quảng Ngãi, nhất là ngư dân huyện Lý Sơn và xã Bình Châu (Bình Sơn). Ông Nguyễn Phép, ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn), là một trong những tay lặn cừ khôi ở huyện đảo. Hơn 50 tuổi nhưng trông ông chắc nịch. Hơn 30 năm làm nghề đi biển, chủ yếu đi lặn ở khu vực đảo Hoàng Sa nên đối với quần đảo Hoàng Sa ông Phép thuộc như lòng bàn tay của mình.
 
TIN LIÊN QUAN


Ông Phép cho hay, từ đảo Lý Sơn chỉ cần 3 ngày 2 đêm thuận buồm xuôi gió thì thấy đảo Hoàng Sa như dải cát vàng. Nhiều năm qua, ông Phép và nhiều bạn chài đã gắn bó với Hoàng Sa với nhiều kỷ niệm. Ngày trước tàu của ông thường ghé đảo Hai Trụ- đảo đầu tiên của quần đảo Hoàng Sa. Theo ông Phép thì đảo Hai Trụ rất đẹp và nhiều tôm cá, nhất là hải sâm. Ông Nguyễn Phép nói: "Bây giờ tụi tôi cũng đánh bắt hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển đó là nguồn sống của ngư dân và đánh bắt ngoài đó cũng là bảo vệ chủ quyền của mình".

Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn ra khơi đánh bắt hải sản.
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: P.D
Ông Trương Quang Trị, ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu (Bình Sơn) thuyền trưởng tàu cá QNg 95839 có hơn 20 năm làm nghề biển cho biết, ngư trường chính của ông là vùng biển Hoàng Sa. Ông Trị cho rằng: Vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam nên ông có ý thức vừa ra đó để khai thác hải sản vừa bảo vệ chủ quyền trên vùng biển của Tổ quốc. Ông Trương Quang Trị bộc bạch: "Chúng tôi là ngư dân chủ yếu đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa. Hoàng Sa là của cha ông chúng ta để lại. Đi như thế cũng là bảo vệ chủ quyền  Hoàng Sa của chúng tôi".

Thời gian gần đây, một số tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ khi đang đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, ngư dân tỉnh ta vẫn bám vùng biển này để khai thác hải sản. Vì Hoàng Sa là một phần của Tổ quốc Việt Nam mà tổ tiên đã đổ xương máu trên mảnh đất thiêng này. Do đó họ có trách nhiệm bảo vệ. Trong đó, có những ngư dân đã nhiều lần bị phía Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tàu thuyền. Anh Dương Dũng ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) là thuyền viên tàu QNg 96004 TS của ông Lê Tân là một ví dụ.

Anh Dương Dũng đã 5 lần bị phía Trung Quốc bắt giữ tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng sau đó được thả về và anh vẫn bám vùng biển này để đánh bắt. Anh Dũng kể: Vụ mới nhất bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang khai thác ở quần đảo Hoàng Sa là vào ngày 7 và 8/12, ba tàu đánh cá cùng 43 ngư dân huyện đảo Lý Sơn (trong đó có tàu QNg của ông Lê Tân). Sau đó tối ngày 11/12, phía Trung Quốc thả tàu QNg 96004 TS cùng 43 ngư dân. Riêng 2 tàu còn lại Trung Quốc vẫn còn giữ lại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó là tàu của các ông Dương Lúa và ông Lê Văn Lộc. Tất cả tài sản, thiết bị máy móc, ngư cụ của cả ba tàu đều bị phía Trung Quốc tịch thu, với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Thời gian sau đó anh Dương Dũng và các ngư dân vẫn tiếp tục bám biển. Mới đây, sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển, anh Dương Dũng cùng 13 ngư dân trên tàu QNg 96004 TS vừa cập cảng Sa Cần bán hải sản và chuẩn bị chuyến ra khơi mới. Anh Dũng thổ lộ: Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường chính của ngư dân Lý Sơn nên chúng tôi vẫn cứ ra đó mà đánh bắt.

Tương tự, anh Nguyễn Dưỡng ở thôn Tây, xã An Vĩnh cũng là một trong những thuyền viên từng bị Trung Quốc bắt giữ và tịch thu tàu thuyền khi đang đánh bắt ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Anh vừa được thả về và vay mượn tiền đóng mới lại tàu thuyền tiếp tục ra khơi. Anh Dưỡng cho hay, Hoàng Sa đã trở nên quen thuộc đối với ngư dân Lý Sơn. Anh kể vanh vách từng tên đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa như: Bon Bay, Phú Lâm, Đá Lồi, Cây Bàng… Mỗi đảo có một đặc trưng riêng. Mỗi lần đi qua đây lòng anh như thắt lại vì mảnh đất thiêng liêng của mình... Anh Nguyễn Dưỡng tâm sự: "Tôi vừa đóng chiếc tàu mới này, trước hết tôi sẽ đi Hoàng Sa. Hoàng Sa là của mình. Hoàng Sa do tổ tiên để lại. Mình không ra là có tội với tổ tiên của mình".

Hoàng Sa- một phần đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đây hàng trăm năm trước đã có những "hùng binh" hy sinh để bảo vệ quần đảo thiêng liêng này. Nhiều thế hệ ngư dân ở Quảng Ngãi nói chung, ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Sơn  nói riêng đã gắn bó với Hoàng Sa và có nhiều kỷ niệm về quần đảo này.
   
Anh Vinh

.