Cây măng cụt "bén duyên" với đất Nghĩa Hành

09:05, 05/05/2010
.

(QNg) - Nói đến măng cụt người ta sẽ nghĩ ngay đến đặc sản của vùng Nam Bộ, được liệt vào những loại trái cây cao cấp với giá bán trên thị trường rất cao và nhiều người ưa chuộng. Thế mà loại cây này đang dần thích nghi và phát triển tốt ở Nghĩa Hành.
 
Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, đất đai, biết cây măng cụt có khả năng thích nghi vùng đất ở huyện Nghĩa Hành, năm 2001 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành thực hiện thí điểm mô hình trồng măng cụt đầu tiên ở tại thôn Phú Vinh Tây (thị trấn Chợ Chùa), trên diện tích khoảng 1ha. Mật độ trồng 160cây/ha. Sau 6 năm trồng (2001-2007), cây cho lứa quả đầu tiên (lứa bói) chưa ổn định, nhưng đến năm 2008 -2009 cây cho quả rất ổn định.
 
Cây măng cụt bắt đầu  cho những trái đầu mùa.
Cây măng cụt bắt đầu cho những trái đầu mùa.
Ông Phạm Vàng (ở thôn Phú Vinh Tây, thị trấn Chợ Chùa) là một trong những người thực hiện hiệu quả mô trình trồng măng cụt cho biết: Năm 2001 được sự đầu tư, hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, tôi đưa về trồng 30 cây măng cụt; năm 2007 cây ra lứa quả đầu tiên (quả bói), một cây thu được khoảng 1-2kg quả;  năm 2009 thu được 10-15kg/cây. Năm nay, cây ra rộ hơn, dự kiến sẽ thu được 40-50kg/cây. Ngoài ra tôi còn tận dụng diện tích giữa 2 hàng măng cụt trồng xen với đậu, bắp, chuối… hàng năm thu được khoảng 50 triệu đồng. Như vậy tổng nguồn thu từ măng cụt và hoa màu các loại mà ông Vàng thu về khoảng 100 triệu/ha/năm.

 Trồng măng cụt cùng thời điểm với ông Vàng, nhưng năm nay gia đình ông Phạm Thành thu hoạch măng cụt sớm hơn, vừa rồi ông bán măng cụt tại chợ Chùa với giá 40.000 đồng/kg, thu 17 triệu đồng/10 cây. Ông Thành cho biết: Cây măng cụt không khó trồng, ít tốn diện tích, là loại cây ưa mát nên có thể trồng xen với các loại cây khác như sầu riêng hay chuối, dừa... vừa tận dụng diện tích, vừa có thêm thu nhập. Hơn nữa việc chăm sóc cũng khá đơn giản, vì cây không bị ảnh hưởng bởi ngập úng và ưu điểm lớn nhất là cây ít bị sâu bệnh... Qua mấy năm trồng tôi thấy loại cây này rất thích hợp với chân đất ở đây.

Để đạt được năng suất cũng như giữ vững chất lượng quả của cây măng cụt trong nhiều năm qua, trong quá trình thực hiện mô hình, cùng với các hộ dân tham gia, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi sự phát triển của măng cụt trong từng thời điểm. Từ đó đã có những điều chỉnh phù hợp về quy trình kỹ thuật chăm sóc qua từng giai đoạn, để cây thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên vùng đất mới. Kỹ sư Nguyễn Anh Triều - cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết về một số biện pháp kỹ thuật cần lưu ý khi trồng măng cụt như sau: Măng cụt là cây ưa bóng, đặc biệt trong 2 năm đầu cây măng cụt chỉ cần lượng ánh sáng tán xạ từ 50-60% là đủ. Do vậy việc che bóng là cần thiết, để giảm bớt ánh nắng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến cây.

Có thể trồng xen chuối giữa 2 hàng măng cụt, cách gốc măng cụt 1m. Nhiệt độ thích hợp cho cây măng cụt phát triển ở khoảng 25-35oC và ẩm độ không khí thấp nhất là 80%. Lượng mưa thấp nhất là 1.200mm/năm. Khoảng cách trồng măng cụt là 6-7m/cây theo kiểu hình vuông. Mặc dù trồng dầy, nhưng tán cây không được giáp nhau,  do đó phải tỉa cành tạo tán, giúp cho cây thông thoáng, lá cây quang hợp tốt, hạn chế sự phát triển rong rêu trên thân cây. Cây còn nhỏ phải tỉa bỏ cành để sau này cây lớn lên có tàn cân đối. Khi cây cho trái, sau mỗi vụ thu hoạch phải tỉa bỏ cành bị sâu, cành già không khả năng cho trái trước khi bón phân… Cây măng cụt rất thích hợp với chân đất phù sa bồi, nên các vùng đất ven sông có thể trồng loại cây này vì cây không bị ảnh hưởng bởi ngập úng. Loại cây này, cho trái sau 7-8 năm trồng, nhưng cây có thể sống trên 50 năm.

Cùng với các loại cây trồng mới vừa được du nhập về đất Nghĩa Hành (chôm chôm, sầu riêng) thì măng cụt cũng đã và đang góp phần đa dạng hoá sản phẩm của ngành nông nghiệp địa phương, giúp nông dân tăng thu nhập cải thiện đời sống.

   P.D

.