(QNg) - Quảng Ngãi đang khơi dậy tiềm năng của biển để phát triển kinh tế. Thế nhưng đây đó ở những làng quê ven biển môi trường bị xâm hại nghiêm trọng, như đổ rác, đổ nước thải ra phía biển và ồ ạt khai thác cắt rong mơ- nơi cư ngụ sinh sản của các loài thủy sản..
Về xã Bình Châu (Bình Sơn), chúng tôi đi ngang qua đoạn phía trên chợ Bình Châu - nơi con nước thủy triều dâng lên tràn vào đồng tôm của vùng nuôi tôm Châu Me (Bình Châu) và Tịnh Hòa, thấy toàn là rác. Trời nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc từ những đống rác thải. Nhiều nhất là hai bên đầu cầu gần triền đà Bình Châu có quá nhiều bịch đựng rác. Nhưng qua đoạn này về xóm Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển xã Bình Châu), chúng tôi còn ngán ngẩm hơn. Vì ở góc Gành Cả này việc vứt rác công khai. Khoảng 4 giờ chiều những người nội trợ ở xóm Gành Cả gom những đống rác chờ thủy triều vừa rút lần lượt bưng rác ra đổ từng đống xuống bãi biển. Nghe hỏi chuyện, một lão ngư ngồi trên bãi cát phía bên trong gành hóng mát, nói: "Biển đã kéo đi hết, chứ không thì mùi hôi thối làm sao chịu cho thấu".
Rác thải tràn ngập bờ đê Bình Châu. |
Tha hồ đổ mọi thứ rác rưởi xuống biển rồi ngụp lặn xuống biển để cắt rong mơ- nơi mà nhiều loài hải sản thường chọn nơi gành rạn có nhiều rong mơ để sinh sản, nên tài nguyên ven bờ cạn kiệt là khó tránh khỏi.
Rời vùng biển Bình Châu (Bình Sơn), chúng tôi về vùng ven biển Đức Minh (Mộ Đức), Phổ Quang (Đức Phổ) lại chứng kiến môi trường vùng ven biển bị ô nhiễm theo kiểu khác. Tại vùng biển Đức Phong, chúng tôi chứng kiến người nuôi tôm lấy nguồn nước từ biển và nguồn nước ngọt từ các giếng khoan ven bờ vào hồ pha loãng để nuôi tôm. Rồi từ năm đến bảy ngày thì họ xả nước ở đáy hồ ra ngoài, bơm nước vào và tiến hành sục khí. Cứ mỗi lần xả nước thải, nước chảy lênh láng ra đường và đa phần thải trực tiếp ra biển. Có hồ tôm bị dịch bệnh nước ô nhiễm nặng, thì cũng biển "chứa" hết thôi. Đó là chưa kể đến chuyện khai thác nguồn nước ngầm một cách ồ ạt như hiện nay để nuôi tôm, sẽ dẫn đến sa mạc hóa nguồn nước ngầm vùng ven biển trong tương lai.
Trao đổi về cách quản lý bảo vệ môi trường biển với ông Trần Văn Phận - Phó trưởng phòng biển và hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho tôi biết: Hiện nay Sở chưa có cách quản lý bảo vệ môi trường biển cụ thể. Lâu nay tỉnh trích kinh phí sự nghiệp môi trường cho các địa phương mua phương tiện xử lý rác thải. Có nơi như KKT Dung Quất, Lý Sơn hình thành tổ thu gom rác, còn hầu hết các địa phương đều bỏ lỏng chuyện này. Hình ảnh rác ngập đầy đồng, đầy đường và cả cống rãnh, ven biển là khó tránh khỏi. Bởi về phía chính quyền địa phương thì thiếu cách thức quản lý, một bộ phận người dân các vùng này thì thiếu ý thức. Hiện nay Sở đang khuyến cáo các địa phương thực hiện xã hội hóa môi trường.
Vấn đề rong mơ, Sở đã phối hợp với Sở NN&PTNT bàn về chuyện này. Loại rong này mọc nhiều ở quanh vùng biển Bình Châu, Bình Hải (Bình Sơn) và quanh đảo Lý Sơn. Đây là nơi trú ẩn, kiếm ăn, sinh trưởng của các loài thủy sản. Việc thu hoạch một cách ồ ạt như hiện nay của bà con, Sở NN đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, hướng dẫn ngư dân khai thác rong mơ một cách hợp lý, như không được khai thác trước ngày 1/5 hằng năm, không nhổ cả gốc mà chỉ dùng liềm cắt cách gốc ít nhất 10cm; không khai thác quá 75% diện tích rong; khi khai thác không được dẫm đạp hoặc neo tàu lên dải san hô, để hạn chế hủy diệt hệ sinh thái san hô ven biển; tăng cường tuần tra, giám sát các hoạt động khai thác thủy sản nói chung và rong mơ nói riêng... Văn bản đã triển khai từ ngày 22/3, nhưng hiện nay, ở địa phương xã Bình Châu chúng tôi vẫn còn thấy diễn ra cảnh khai thác rong mơ.
Muốn phát triển kinh tế biển, môi trường biển cần phải được coi trọng. Đề nghị các ngành chức năng cần phối hợp với địa phương tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường ven biển.
Bài, ảnh: MAI Hạ