Đầu tư cho Chương trình 135 (giai đoạn II): Nhiều tồn tại cần sớm khắc phục

01:04, 08/04/2010
.

(QNg) - Giai đoạn II của Chương trình 135 (CT 135) đã mang lại nhiều lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Thế nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn quá nhiều tồn tại cần khắc phục.

Có thể thấy rõ rằng, CT 135 là "cứu tinh" giúp cho KT-XH các huyện miền núi phát triển. Trong đó chỉ riêng giai đoạn 1 (1999-2005), CT đã đầu tư ở 57 xã đặc biệt khó khăn miền núi đã xây dựng 399 công trình cơ sở hạ tầng (tổng số vốn trên 201.462 triệu đồng).  Giai đoạn II của CT 135 đã thực hiện được 4 năm. Các địa phương miền núi đặc biệt khó khăn được đầu tư gần 193 tỷ đồng để thực hiện hàng loạt dự án: Hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng; xây dựng trung tâm cụm xã và các chính sách hỗ trợ các dịch vụ. Rút kinh nghiệm của giai đoạn I, CT 135 của giai đoạn II được thực hiện với nhiều bước cải tiến hơn.
 
Đó là không đầu tư chủ yếu xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, mà CT còn thực hiện việc cung cấp cây, con giống và mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đầu tư đào tạo cán bộ cơ sở, cộng đồng; có chính sách hỗ trợ các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý cho đồng bào.

Điều đáng mừng là CT 135 giai đoạn II đã giúp trình độ sản xuất của đồng bào miền núi được nâng lên. Hiện nay ở nhiều vùng, đồng bào đã biết cách chăn nuôi và trồng trọt với các loại cây, con giống mới, có năng suất cao, chất lượng, phần nào đã thay đổi tập quán canh tác lạc hậu lâu nay. Hiệu quả của CT là đời sống của đồng bào được cải thiện rõ nét. đội ngũ và cơ sở dịch vụ về y tế, bệnh viện, trạm xá và các cơ sở trường học được đầu tư ngày càng nhiều ở miền núi, góp phần ngăn chặn cơ bản bệnh hiểm nghèo, nâng cao sức khoẻ, cải thiện đời sống cho đồng bào. Cùng với các kết quả nói trên đã khẳng định thêm niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, QPAN địa phương.

Công trình nước sinh hoạt ở xã Ba Khâm (Ba Tơ) xây dựng hàng trăm triệu đồng nhưng không sử dụng được vì bị hư hỏng.
Công trình nước sinh hoạt ở xã Ba Khâm (Ba Tơ) xây dựng hàng trăm triệu đồng nhưng không sử dụng được vì bị hư hỏng.
Hiệu quả của CT 135 qua các giai đoạn thực hiện đã rõ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện CT này đã bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục là: Các qui định về cơ chế duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi được đầu tư chưa rõ ràng. Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc duy tu, bảo dưỡng đó hầu như chưa được các cấp, các chủ đầu tư chú trọng đúng mức và chưa có nguồn vốn để thực hiện và đã được Ban Dân tộc tỉnh và các ngành có trách nhiệm kiến nghị.
 
Tại hội nghị tổng kết CT 135 (1999 - 2005), tỉnh đã cho chủ trương lấy nguồn ngân sách địa phương để bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng. Thế nhưng đến nay có mấy địa phương "cắt" tiền ra để tu sửa các công trình bị hư hỏng?. Trong khi đó đi thực tế của chúng tôi và qua công tác giám sát của HĐND tỉnh và Đoàn ĐBQH, đã phát hiện hàng loạt các công trình bị hư hỏng, không phát huy tác dụng, trở thành lãng phí tiền của của Nhà nước. Nếu chủ đầu tư và chính quyền địa phương quan tâm hơn, "rót" vốn để sửa chữa, thì chắc chắn các công trình bị hư hỏng ấy sẽ được sử dụng hiệu quả, nhất là các công trình nước sinh hoạt.

Theo Ban Dân tộc tỉnh tiến độ thực hiện các dự án, chính sách của CT 135 giai đoạn II luôn chậm so với kế hoạch. Trong đó đặc biệt nhất là các dự án, chính sách do xã làm chủ đầu tư. Nó thể hiện qua các phần việc như: Cung ứng cây, con giống cho đồng bào trồng trọt, chăn nuôi, thường đến tháng 10 và 11 mới thực hiện, kéo theo việc tập huấn cung cấp kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào chậm lại, dồn vào cuối vụ, cuối năm, nên ảnh hưởng đến chất lượng và quá tải đối với các đơn vị tham gia tập huấn và bà con tham gia học hỏi kỹ thuật.
 
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh còn cho biết, thủ tục để triển khai các dự án trung tâm cụm xã thực hiện quá chậm (đến cuối năm 2009 nhưng chưa có nguồn vốn nào trong năm này được khởi động, chưa có công trình nào được thi công và vốn không giải ngân được). Bên cạnh đó việc hoàn thành các thủ tục đầu tư và thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng các công trình còn là một quá trình gian nan (do phải sửa chữa nhiều lần, thậm chí khi quá trễ thì huyện phải "ra tay" làm từ “A đến Z”), nên các công trình thường khởi công vào mùa mưa.

Vấn đề đáng nói là lâu nay công tác giám sát các công trình còn trông chờ một phần vào Ban giám sát xã. Thế nhưng do năng lực hạn chế, các ban giám sát này hầu như chẳng phát huy tác dụng (nếu có giám sát thì không đủ trình độ để đánh giá chất lượng công trình). Điều này các cấp, ngành cần đánh giá lại thực trạng, chất lượng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ xã và cộng đồng, để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Thiết nghĩ, đã đến lúc tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn, để CT này phát huy được ý nghĩa thiết thực, tránh được những lãng phí đã từng xảy ra.

    Bài, ảnh: PHẠM ANH

.