Nghề đóng, sửa tàu thuyền đánh cá ở Quảng Ngãi: Bao giờ đạt chuẩn?

11:07, 17/07/2009
.
(QNg) - Ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống và kinh nghiệm đi biển nên nghề đóng, sửa tàu thuyền cũng sớm phát triển. Nhưng điều đáng tiếc là hầu hết các cơ sở đóng sửa tàu thuyền trong tỉnh đều chưa đạt chuẩn.

(QNg) - Ngư dân Quảng Ngãi có truyền thống và kinh nghiệm đi biển nên nghề đóng, sửa tàu thuyền cũng sớm phát triển. Nhưng điều đáng tiếc là hầu hết các cơ sở đóng sửa tàu thuyền trong tỉnh đều chưa đạt chuẩn.
Sửa chữa tàu đánh cá ở Bình Chánh. 
Mới đây tôi có dịp ghé thăm một cơ sở đóng sửa tàu thuyền ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), nơi đây có hàng chục chiếc tàu đánh cá và tàu dịch vụ nghề cá được đưa lên đà để sửa chữa. Một vài thợ mộc, thợ máy đang sửa tàu ở đây cho biết: Nghề đóng, sửa tàu cá ở đây có từ bao đời nay, chủ yếu là người địa phương làm. Ban đầu thì quy mô nhỏ, chủ yếu tận dụng bãi bồi ven sông để đóng. Kỹ thuật, thiết kế và kiến trúc con tàu thì làm theo kinh nghiệm "dân gian", được học hỏi truyền nghề lẫn nhau. Nhưng hình dáng, kết cấu tàu thuyền Quảng Ngãi thường chắc chắn, khả năng chịu đựng sóng gió tốt…

Nghề đóng, sửa tàu cá lâu nay tập trung ở những vùng cửa biển có nghề đánh bắt phát triển, như Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Sa Cần, Cổ Luỹ… Đóng tàu theo kỹ thuật dân gian không cần phải có mặt bằng nhà xưởng quy mô lớn. Chỉ cần một bãi trống hẹp tương đối bằng phẳng, thoai thoải ven sông, để sau khi con tàu đóng xong có thể hạ thuỷ một cách nhẹ nhàng. Nghề đánh bắt khơi xa thì đóng tàu lớn, nghề đánh bắt ven bờ thì đóng tàu nhỏ. Máy thuỷ được mua về và lắp đặt khi đóng xong vỏ tàu. Cấu tạo chung của loại tàu đánh cá vỏ gỗ hiện nay gồm: Đà chính (ky tàu), sống mũi (xỏ), khung sườn (cong giang), vỏ tàu, sàn tàu (xa quạ), ca bin (buồng lái, buồng ngủ), hầm tàu để chứa lưới và chứa cá, hệ thống lái... Gỗ cây được xẻ ra theo kích thước đã định và được lắp ráp liên kết với nhau một cách vững chắc. Phương pháp liên kết vật liệu gỗ đóng tàu trước kia chủ yếu được ghép mộng, hoặc dùng chốt tre, chốt gỗ, ngày nay được liên kết bằng bulon thép chắc chắn hơn nhiều. Tàu thuyền đánh cá vỏ gỗ được đóng bằng các loại gỗ tốt như gỗ sao, gỗ kiền kiền... có độ bền chịu được trong môi trường nước biển.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 20 cơ sở đóng, sửa tàu cá, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Đức Phổ. Trong đó có 5 cơ sở đóng được tàu đánh cá có chiều dài đến 20m, lắp máy thuỷ công suất đến 400 CV (thời gian đóng mới một con tàu trung bình khoảng  3 - 4 tháng). Hằng năm những cơ sở này đã đóng mới và sửa chữa được hàng ngàn chiếc tàu, góp phần tăng số lượng tàu cá và nâng cao năng lực khai thác hải sản của tỉnh. Song, hầu hết các cơ sở này chủ yếu làm theo kinh nghiệm dân gian, trình độ công nghệ thấp, quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về năng lực, mặt bằng, trang thiết bị kỹ thuật...

Lâu nay ngư dân đóng mới tàu thuyền thường làm theo hai cách, là đến các xưởng đóng tàu thuê làm trực tiếp, hoặc tự mua gỗ về thuê thợ tự đóng theo mẫu dân gian, truyền thống. Những con tàu có hồ sơ thiết kế, sau khi đóng mới ngành chức năng kiểm tra và thực hiện đăng ký, đăng kiểm.

Đóng mới tàu cá phục vụ đánh bắt xa bờ ở Sa Huỳnh.
Đóng mới tàu cá phục vụ đánh bắt xa bờ ở Sa Huỳnh.
Còn những tàu đóng theo mẫu dân gian, khi làm xong phải thuê người vẽ hồ sơ hoàn công, rồi mới làm được đăng kiểm, đăng ký. Theo Nghị định 59 của Chính phủ quy định, các cơ sở đóng sửa tàu cá phải đảm bảo các tiêu chí như: Địa điểm phải nằm trong quy hoạch của địa phương; phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hệ thống xử lý nước thải và chất rắn của cơ sở phải đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường (theo TCVN); nhà xưởng, trang thiết bị của cơ sở phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật quy định; mỗi cơ sở ít nhất phải có hai nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên (1 trung cấp chuyên ngành vỏ tàu và một chuyên ngành động lực). Hội đủ những điều kiện này thì tất cả các cơ sở đóng, sửa tàu cá ở tỉnh ta chưa đáp ứng! Đây là thực trạng chung ở các cơ sở đóng sửa tàu cá trong tỉnh. Thực trạng này đặt ra một câu hỏi: Nếu cho các cơ sở đóng mới thì vi phạm Nghị định Chính phủ, mà không cho làm thì ngư dân sẽ đóng tàu ở đâu?

Tỉnh ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2010 là "Phát triển lực lượng tàu thuyền với định hướng đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá để nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, hạn chế cường độ khai thác ven bờ để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đến năm 2010, trên 30% số tàu có công suất từ 90 CV trở lên, đưa công suất bình quân từ 60,3 CV/chiếc (năm 2005) lên 70,93CV/chiếc (năm 2010), tổng công suất đạt 305.000 CV. Công tác quản lý tàu thuyền đi vào nền nếp, trên 95% số tàu thuyền được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định... Chỉ tiêu này liệu có thành hiện thực, hay chỉ đạt "trên giấy" khi nhiều cơ sở đóng, sửa tàu cá ở tỉnh ta chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động?
Bài, ảnh: P.Danh

.