Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ: "Đòn bẩy" đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững

04:07, 10/07/2009
.
Có thể nói, kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay ngành nông nghiệp ở tỉnh ta đạt được những thành tựu khá nổi bật, không những góp phần đảm bảo an ninh lương thực mà còn từng bước cải thiện nâng cao đời sống kinh tế cho người nông dân.
 
Được mùa,
Được mùa,
Cuộc "cách mạng" chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở Quảng Ngãi được xem là " đòn bẩy" đưa ngành nông nghiệp phát triển một cách bền vững.
 
Là một tỉnh thuần nông nên cây lúa luôn là cây trồng chủ lực, song những năm trước đây sản xuất 3 vụ/năm, với cơ cấu giống chủ yếu là các giống lúa ngắn ngày và trung ngày như: OMCS7, BT8, CN2, IR108, TH205,10179, MTL 61, IR50404... nên năng suất rất thấp. Không những vậy, sản xuất nông nghiệp luôn bị mất mùa do quỹ thời gian cho từng vụ quá ngắn, việc bố trí thời vụ không né tránh được thời tiết bất lợi. Một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất và sản lượng lúa giảm chính là tập quán canh tác 3 vụ/năm của nông dân. Và cuộc "cách mạng" chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ/năm bắt đầu hình thành.
 
Bởi lẽ, thay đổi tập quán canh tác 3 vụ xuống còn 2 vụ thì sẽ đồng nghĩa tăng năng suất, sản lượng lúa. Sau những mô hình thí điểm thành công tại một số địa phương. Ngày 14/1/2002, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 25/2002/NQ-HĐND; UBND tỉnh ban hành Quyết định 21/2002/QĐ-UB về việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm. Đây là lần đầu tiên Tỉnh uỷ, HĐND, UBND ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết, Quyết định liên quan đến cây lúa. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh với sản xuất nông nghiệp nói chung và việc trồng lúa nói riêng. Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án chuyển đổi từ 3 vụ lúa xuống 2 vụ/năm. Và có thể xem việc ban hành đề án chuyển đổi từ 3 vụ lúa xuống 2 vụ được xem là "cuộc cách mạng" trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta.
 
Chỉ sau 3 năm triển khai ở 7 huyện đồng bằng (từ năm 2002-2004), tổng diện tích chuyển đổi được trên 22.000 ha (đạt 110,3% so với chỉ tiêu kế hoạch). Hai huyện có diện tích chuyển đổi vượt chỉ tiêu là Mộ Đức và Sơn Tịnh. Năng suất bình quân trong 3 năm đạt 115,06 tạ/ha, hàng năm năng suất đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, diện tích chuyển đổi lúa từ 3vụ/năm sang 2 vụ/năm đã đạt trên 25.000 ha, đặc biệt không còn địa phương nào sản xuất vụ 3. Thành công của việc chuyển đổi không những đưa năng suất lúa tăng cao từ 36-42 tạ/ha/vụ lên 55-60 tạ/ha/vụ (cá biệt nhiều nơi năng suất đạt 75-80 tạ/ha) qua đó góp phần thay đổi mạnh mẽ tập quán canh tác và tư duy sản xuất cũ của nông dân, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới về cây lúa, cũng như khả năng đầu tư thâm canh tăng năng suất. Qua đó, tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo cho người nông dân có thời gian rảnh mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập...

Bên cạnh việc chuyển đổi mùa vụ, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng như những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển "đột phá" và bền vững. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta trong những năm qua đã phát triển đáng kể về cả lượng và chất. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 5,5%. An ninh lương thực được giữ vững, sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã rõ nét và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu như giai đoạn từ năm 2002 trở về trước, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta chỉ tập trung vào sản xuất lúa gạo; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp... từ năm 2002 đến nay, sản xuất nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng, đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi, giống cây, con mới, chất lượng cao vào sản xuất. Những thành tựu khoa học, công nghệ mới trên thế giới đã từng bước được đưa vào ứng dụng sản xuất theo phương châm "đi tắt đón đầu", nhờ vậy đã tạo được những đột phá đáng kể. Chỉ tính chưa đầy 10 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu và áp dụng trên 40 đề tài khoa học về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung vào các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao.
 
Nhờ đưa những giống mới vào sản xuất nên năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn đối với lúa-cây lương thực chính ở Quảng Ngãi, năng suất trước năm 2000 phải mất 8 năm mới tăng bình quân được 10 tạ/ha gieo trồng, thì đến năm 2003 năng suất lúa Quảng Ngãi đã bằng năng suất lúa bình quân toàn quốc (46 tạ/ha). Đến năm 2005 tăng lên 48 tạ/ha và 2008 đạt gần 50 tạ/ha. Đối với cây ngô, năng suất bình quân toàn quốc tăng gấp đôi phải mất 14 năm (1990 - 16tạ/ha, 2003 - 33 tạ/ha) còn ở Thái Lan phải mất 15 năm, thì ở Quảng Ngãi năng suất bình quân ngô tăng hơn gấp đôi chỉ mất 9 năm (năm 1995: 15,3tạ/ha - 2004: 48,1 tạ/ha và hiện nay là tăng hơn gấp ba với năng suất là 54 tạ/ha). Cây khoai mì năng suất bình quân tăng gấp đôi mất 8 năm (1996: 73tạ/ha, 2004: 142 tạ/ha, và hiện nay là trên 180 tạ/ha...).    

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cộng với ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất đã tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững. Nhờ đó, qua 20 năm tái lập tỉnh và đổi mới, nông nghiệp tỉnh ta đã đạt được nhiều thành quả đáng mừng, góp phần từng bước nâng cao đời sống người nông dân; an ninh lương thực được ổn định; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
  Bài, ảnh: MT

.