Câu chuyện từ cây chè Minh Long

07:07, 25/07/2009
.
(QNg) - Cây chè Minh Long từ lâu vốn nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng trong những năm gần đây, diện tích cây chè ngày càng bị thu hẹp và đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" trên đất Minh Long, khi bị cây mỳ, keo lai "lấn sân" với tốc độ chóng mặt.

 Gom chè bán cho tư thương
Gom chè bán cho tư thương
Xã Thanh An một thời được xem là vùng trọng điểm chè của Minh Long với trên 300 ha. Nhiều năm, cây trồng này là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào H’re nơi đây. Nhưng khi nhân dân trong xã rộ lên phong trào trồng cây nguyên liệu mì và keo lai, diện tích chè ở Thanh An bị thu hẹp dần.

Theo thống kê của xã, từ năm 2000 đến nay, 250 ha chè ở xã Thanh An đã bị xóa sổ để "nhường đất" cho cây mì và keo lai. Còn trên địa bàn huyện, vào thời cao điểm, diện tích chè ở Minh Long lên đến 500 ha nhưng nay chỉ còn khoảng 70 ha. "Sức hút" của hai loại cây nguyên liệu mới mạnh đến nỗi năm 2002 tỉnh đã hỗ trợ 600 nghìn đồng/ha, cùng với phân bón cho các hộ dân trồng chè ở Minh Long để chăm sóc, phát triển cây chè. Dù vậy, 136 ha chè của dự án này cũng bị người dân chặt bỏ không thương tiếc.

 Người dân Minh Long trở lại chăm sóc cây chè.
Người dân Minh Long trở lại chăm sóc cây chè.
Việc nông dân Minh Long phá bỏ chè, trồng mì hay keo lai sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu cây mì và keo lai mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng của bao hộ dân muốn "phất" lên nhanh chóng và phát triển bền vững. Thế nhưng thực tế lại là chuyện khác. Hiện nay, nhiều hộ dân ở huyện miền núi này lại đang "dở khóc, dở cười" khi mà giá cả thu mua và thị trường tiêu thụ cây nguyên liệu mì, keo lai rất bấp bênh, ngược lại chè vẫn giữ được giá trị kinh tế, tư thương đến tận vườn chè để thu mua. Anh Đinh Văn Trai, ở thôn Làng Vang, xã Thanh An cười gượng gạo, cũng may mình mới phá bỏ nửa diện tích chè (khoảng 0,4ha), chứ không giờ chẳng biết lấy gì mà trang trải cuộc sống hằng ngày.

Trước nguy cơ cây chè bị xóa sổ khỏi đất Minh Long, trong khi trên thị trường chè lại đang lên giá nên xã "trọng điểm chè" Thanh An đang xem xét đề nghị huyện quy hoạch, đầu tư khôi phục phát triển lại vùng nguyên liệu chè trên địa bàn. "Cần sớm khôi phục lại vùng nguyên liệu chè" ông Đinh Ê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An kiến nghị. Còn ở xã Long Hiệp, nơi 120/147 ha chè từng bị xóa sổ, người dân cũng bắt đầu trở lại trồng chè.

Trao đổi với chúng tôi về khả năng, liệu cây chè sẽ trở lại trên đất Minh Long, ông Lê Văn Duyên-cán bộ Phòng Công thương huyện cho biết: Chúng tôi đang nghiên cứu để lập dự án đầu tư khôi phục lại cây trồng truyền thống và có thể ứng dụng chính sách 30a vào để đầu tư cho cây chè.

Việc đầu tư, phát triển trở lại cây trồng truyền thống có thể sẽ được cấp có thẩm quyền ở huyện Minh Long xem xét, phê duyệt. Và vùng chè sẽ xanh trở lại trên đất Minh Long? Nhưng chắc chắn việc người dân từng tự phá bỏ vùng chè để đưa về đồng đất Minh Long những loại cây trồng từng có thời được xem là "hot" trên thị trường tiêu thụ mà chẳng theo quy hoạch nào và nay đang gặp khó, sẽ là một bài học về phát triển bền vững.

Chè Minh Long vốn nổi tiếng, được xem là đặc sản của huyện miền núi này. Với đặc thù thu hoạch quanh năm, cây chè có thể giải quyết nhu cầu chi tiêu hàng ngày cho đồng bào miền núi. Từ câu chuyện cây chè trên đất Minh Long cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng cần phải xem xét một cách thấu đáo, tính đến sự thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng của từng loại cây trồng và nhất là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Việc người dân dễ dàng từ bỏ một loại cây trồng truyền thống đã khẳng định giá trị để phát triển một cách tự phát, làm theo phong trào thì phần thiệt trước mắt sẽ thuộc về người nông dân.
Bài, ảnh: HT

.