Hiệu quả từ lao động trị liệu

06:12, 08/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc dạy nghề cho người tâm thần tại cơ sở 2 của Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh đã từng bước phát huy được hiệu quả. Qua đó, giúp người mắc bệnh tâm thần sớm ổn định tâm lý để hòa nhập với cộng đồng.
 
Tự tay làm ra sản phẩm
 
Nếu nhìn qua không khí nghiêm túc, trật tự cũng như cách làm việc tập trung của hàng chục lao động ở Trung tâm CTXH tỉnh cơ sở 2, ít ai nghĩ rằng những lao động đó là người mắc bệnh tâm thần đang phải điều trị. Mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ, từng nhóm bệnh nhân được cán bộ, nhân viên của trung tâm hướng dẫn từng công đoạn làm chổi đót và theo dõi bệnh nhân thực hành. Chị Lê Thị Bảy, nhân viên trung tâm chia sẻ, hướng dẫn cho bệnh nhân tâm thần khó hơn rất nhiều so với người thường. Bởi vì nhận thức của người bệnh kém, nên phải kiên trì hơn.
 
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (bên phải) hướng dẫn người bệnh tâm thần học nghề làm chổi đót.
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (bên phải) hướng dẫn người bệnh tâm thần học nghề làm chổi đót.
Được hướng dẫn và thực hành thường xuyên, anh N.T.Đ thành thạo quấn từng bó chổi vào dây cước. Sau hơn 9 tháng học nghề, đến nay mỗi buổi làm việc anh Đ có thể quấn từ 15 - 20 cây chổi khá đẹp mắt và chắc chắn. Anh Đ quê ở huyện Mộ Đức, đã ở trung tâm được 8 năm. Lúc mới vào trung tâm, anh cũng thấy buồn chán, mệt mỏi, nhớ nhà. Nhưng ở đây được bác sĩ chăm sóc, uống thuốc và được làm việc, anh cảm thấy khỏe hơn trước rất nhiều. “Có việc làm giúp tâm trạng tôi thoải mái, vui vẻ hơn, đầu óc bớt áp lực”, anh Đ nói.
 
Việc dạy nghề làm chổi cho người tâm thần được Trung tâm CTXH tỉnh thực hiện thí điểm từ đầu năm 2022. Phó Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Phan Thanh Duy cho biết, sau thời gian tìm hiểu, lựa chọn nghề phù hợp với người bệnh, các cán bộ, nhân viên trung tâm đã trực tiếp học nghề rồi hướng dẫn lại cho bệnh nhân theo cách “cầm tay chỉ việc”. Do đặc thù công việc nhằm phục hồi chức năng nên các sản phẩm không yêu cầu quá tinh xảo, hướng đến mục tiêu giúp người bệnh vận động nhẹ nhàng, thoải mái tinh thần, giúp việc điều trị được tốt hơn. Công tác dạy nghề đến nay đã đi vào ổn định, tạo điều kiện cho trên 50% bệnh nhân được tham gia học nghề.
 
Giúp người bệnh sớm hòa nhập cộng đồng
 
Các cán bộ ở Trung tâm CTXH tỉnh cho biết, cùng với điều trị bằng thuốc, công tác lao động trị liệu đã hỗ trợ giúp bệnh nhân hồi phục, ổn định dần khả năng nghe, nói, cầm, nắm, tư duy trí não... Theo chị Lê Thị Bảy, những người bệnh ban ngày tham gia học nghề, lao động, tối về họ ngủ ngon hơn. Tình trạng bệnh nhân tái phát, quậy phá... giảm rất nhiều.
 
Ngoài làm chổi đót, người bệnh tại trung tâm còn được hướng dẫn lao động trị liệu bằng các hình thức như chăn nuôi, trồng trọt... Những năm qua, hình thức lao động trị liệu cho người bệnh đã mang lại cho trung tâm nguồn thực phẩm như rau xanh, gà, vịt, heo, bổ sung thêm cho bữa ăn để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Những sản phẩm chổi đót do người bệnh làm ra cũng được nhiều cơ quan, đơn vị và một số cá nhân trong tỉnh mua ủng hộ.
 
Quá trình học nghề, lao động trị liệu tại Trung tâm CTXH tỉnh đã mang lại những kết quả bước đầu trong trị liệu cho người mắc bệnh tâm thần. Thời gian tới, trung tâm dự định sẽ triển khai dạy các nghề khác như làm chiếu, làm nhang... Tuy nhiên, để duy trì cách làm này và góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe tâm thần cho các bệnh nhân, trung tâm rất cần có sự đầu tư, quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và cả cộng đồng xã hội.
 
Bài, ảnh: V.YẾN
 
 
 

.