(Báo Quảng Ngãi)- Ba người phụ nữ là 3 cuộc đời, 3 số phận rất khác nhau. Nhưng họ gặp nhau ở cùng một điểm, đó là luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn và góp sức xây dựng tổ chức hội phụ nữ vững mạnh. Họ như những đóa hoa miệt mài tỏa hương cho đời.
[links()]
Tạo lập sự nghiệp bằng uy tín, trách nhiệm
Không có điều kiện để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, nhưng bằng sự nỗ lực, dám nghĩ dám làm, chị Trần Thị Bé Ngân (37 tuổi), ở tổ dân phố 8, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), nay đã là chủ doanh nghiệp xây dựng, tạo việc làm cho hơn 60 lao động.
Để có được ngày hôm nay, ít ai ngờ rằng, cuộc đời chị Ngân trải qua nhiều thăng trầm, gian nan. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Ngân vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân vì gia đình quá khó khăn. Thế nhưng, đi làm được vài năm, với tinh thần hiếu học, chị nộp hồ sơ để học đại học theo hệ vừa học vừa làm. Học đến năm thứ 3 ngành quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thì biến cố ập đến, khi chị bị đau nặng phải nằm điều trị bệnh trong một thời gian dài. Sau đó, chị về quê dưỡng bệnh và đến năm 2010, lập gia đình.
Chị Trần Thị Bé Ngân (bên trái) cùng phụ nữ tổ dân phố 8, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) góp gạo vào mô hình “Hũ gạo tình thương”. Ảnh: H.THU |
Tiếng lành đồn xa, từ những công trình nhỏ, sau vài năm, vợ chồng chị Ngân được nhiều tổ chức, cá nhân tin tưởng và lựa chọn để thi công nhiều công trình lớn như chợ Quảng Ngãi, Vincom Quảng Ngãi, sửa chữa Bưu điện tỉnh... “Từ 10 người thợ ban đầu, giờ đây vợ chồng tôi đã có đội thợ hơn 60 người và thi công nhiều công trình lớn trong tỉnh. Cứ khi nào nhận những công trình xa, tôi lại đi theo để lo cơm nước cho đội thợ. Nhờ sự chân tình, xem thợ như những người đồng hành, hợp tác với mình nên tôi giữ chân được nhiều người thợ giỏi”, chị Ngân bộc bạch.
Dù bận rộn với công việc, nhưng chị Ngân luôn biết cách quán xuyến, chăm lo cho gia đình và các con. Ba người con của chị Ngân đều chăm ngoan, học hỏi và tự lập tốt. Không chỉ là người phụ nữ tháo vát, giỏi giang, chị Ngân còn là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố 8 đầy nhiệt huyết, năng động.
Chủ tịch Hội LHPN phường Quảng Phú Nguyễn Thị Thủy nhận xét, sau 2 năm giữ vai trò chi hội trưởng, chị Ngân đã vực dậy phong trào, các hoạt động của phụ nữ ở tổ dân phố 8. Chi hội xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn như “Hũ gạo tình thương”, “10+1”... Chính nghị lực, bản lĩnh của Ngân đã truyền thêm năng lượng tích cực để các hội viên, phụ nữ ở địa phương phấn đấu vươn lên trong công việc và cuộc sống.
Chi hội trưởng giàu lòng nhân ái
Gần 20 năm gắn bó với phong trào phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) Trần Thị Thúy Hồng là người nhiệt tình, giàu lòng nhân ái và là tấm gương về sự chịu thương, chịu khó, hăng say lao động.
Ngày trước, khi còn làm nông nghiệp, bà Hồng là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở địa phương. Không chỉ cần cù trong sản xuất, bà Hồng còn rất khéo tay. Bà thường được hàng xóm nhờ “đứng bếp” ở các bữa tiệc trong gia đình. Từ cơ duyên đó, bà Hồng mạnh dạn mở dịch vụ nấu ăn phục vụ đám tiệc, tạo việc làm cho hơn 20 lao động nữ ở địa phương.
Ngoài kêu gọi hỗ trợ bò giống, bà Trần Thị Thúy Hồng (bên phải) còn tạo việc làm cho chị Đỗ Thị Thuyền, ở thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). Ảnh: H.THU |
Không chỉ là người vợ đảm đang, người mẹ mẫu mực, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, nhiều năm qua, bà Hồng luôn sâu sát, đồng hành và giúp đỡ nhiều hội viên, phụ nữ. “Làm công tác phụ nữ nhiều năm, tôi có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều chị em, hoàn cảnh họ ra sao tôi đều nắm rõ. Cứ chị em nào còn sức lao động, dù có lớn tuổi, ít nhanh nhẹn thì tôi vẫn nhận vào làm việc, tạo điều kiện để có thu nhập. Còn với những trường hợp neo đơn, đau ốm thường xuyên, tôi kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây nhà mới, trao bò, heo giống để tạo sinh kế. Cùng với đó, tôi còn kết nối, đỡ đầu nhiều cháu học sinh khó khăn”, bà Hồng chia sẻ.
Chia sẻ về tấm lòng của bà Hồng, chị Đỗ Thị Thuyền, ở thôn Thế Bình bày tỏ, từ năm 2014 đến nay, vợ chồng tôi đổ bệnh, gia đình túng thiếu. Nhờ chị Hồng dẫn tôi đi làm dịch vụ nấu ăn và ưu tiên những công việc nhẹ nhất, nên tôi có nguồn thu nhập. Đến năm 2021, chị Hồng còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bò giống cho gia đình và trao 500 nghìn đồng/tháng cho con gái tôi có điều kiện đến trường. Nhờ có sự quan tâm, sát cánh của chị Hồng đã giúp gia đình tôi có thêm niềm tin, động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Làm cho đất cằn nở hoa
Trang trại rộng 1,2ha của gia đình chị Võ Thị Ánh Hương, ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), tọa lạc trên vùng đất đồi bạc màu. Chị Hương kể, trước đây, vợ chồng tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Từ năm 2015, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng các loại cây ăn quả và đất đã không phụ công người chăm bón.
Chị Võ Thị Ánh Hương, ở thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), thu hoạch bưởi ở trang trại của gia đình. Ảnh: K.NGÂN |
Cùng với chăn nuôi, chị Hương còn trồng cây ăn quả, với nhiều loại như xoài, mít Thái, bơ, cam, bưởi da xanh... Đến nay, một số cây đã cho quả. Bên cạnh đó, chị Hương còn tìm chọn các giống cây mới, lạ ở nhiều nơi về trồng thử nghiệm như bưởi đỏ, mít ruột đỏ bước đầu cây sinh trưởng tốt.
Năm 2021, chị Hương được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hành để tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, quy mô trang trại của chị Hương không ngừng mở rộng, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hương còn được biết đến là một trong những hội viên phụ nữ gương mẫu. Chị luôn đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Chị Hương còn thường xuyên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế, hướng dẫn chọn cây, con giống cho những gia đình hội viên, phụ nữ muốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Tín Đông Đào Thị Mỹ Trang cho biết, thời gian qua, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong đó, mô hình kinh tế kết hợp chăn nuôi, trồng trọt của chị Hương là một trong những hướng đi tiêu biểu để chị em học hỏi.
H.THU - K.NGÂN