(Báo Quảng Ngãi)- Người khuyết tật (NKT) mong muốn có việc làm để tự lo cho bản thân, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay NKT gặp khó khăn trong tìm kiếm và duy trì việc làm để ổn định cuộc sống.
[links()]
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ BKB ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh sử dụng 30% lao động là NKT; đồng thời còn thực hiện đào tạo nghề miễn phí cho NKT trong tỉnh. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ BKB Phạm Bá Bảo chia sẻ, công ty đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ gửi Sở LĐ-TB&XH để được công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao động trở lên là NKT theo quy định pháp luật, để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. “Sau khi được công nhận, công ty sẽ nhận được hỗ trợ kinh phí để cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT và được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, công ty có thể giúp đỡ được nhiều NKT trên địa bàn tỉnh học nghề và có việc làm ổn định", anh Bảo cho biết.
Lao động là người khuyết tật làm việc tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ BKB. Ảnh: V.Y |
Để tạo cơ hội việc làm cho NKT, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT tại các phiên giao dịch việc làm trong tỉnh. Dự kiến trong quý IV/2022, sẽ đào tạo nghề may công nghiệp cho 20 lao động là NKT. Hiện nay, tỉnh cũng đang triển khai chương trình trợ giúp cho NKT giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình.
Vẫn còn nhiều rào cản
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 80 nghìn NKT, trong đó NKT có khả năng lao động chiếm 70%. Tuy nhiên, rất ít NKT có việc làm ổn định, phần lớn NKT phụ thuộc vào gia đình. Chị P.T.H, NKT ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) chia sẻ, trước đây tôi làm việc văn phòng cho một công ty sản xuất giấy ở tỉnh Bình Dương. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, tôi phải nghỉ việc, trở về quê. Thời gian qua, tôi có tìm việc ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng vì bị khuyết tật ở chân nên không đi xa được, muốn tìm việc làm ở gần nhà nhưng không có. "Tôi mong muốn có việc làm ổn định để nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, đối với NKT, không đơn giản để có được việc làm ổn định", chị P.T.H nói.
Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động đã là một thách thức, với lao động là NKT càng khó khăn hơn. Đa phần NKT là lao động thủ công, không có trình độ nên rất khó tiếp cận thị trường lao động hiện nay. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách để doanh nghiệp quan tâm tạo việc làm cho NKT, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định, nếu doanh nghiệp sử dụng trên 30% lao động là NKT thì được miễn thuế thu nhập hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hầu như không có doanh nghiệp sử dụng lao động NKT trên 30% tổng số lao động của đơn vị.
Chủ tịch Hội NKT tỉnh Trần Tuấn Kiệt cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến NKT khó tìm được việc làm, nhưng chủ yếu do hạn chế về sức khỏe, điều kiện đi lại, giao tiếp khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp không muốn tiếp nhận NKT vào làm việc vì sợ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số NKT có tâm lý e ngại, thiếu tự tin nên không chủ động tìm việc làm để hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở do NKT tự khởi nghiệp đa phần là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ nên thiếu tính ổn định, hiệu quả không cao, khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...
“Chúng tôi mong muốn được các cấp ngành, quan tâm tạo điều kiện để nhiều NKT được tiếp cận, sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp như may mặc, giày da... phù hợp với khả năng lao động của NKT. Hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu hút, tạo việc làm cho nhiều NKT để giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng", anh Trần Tuấn Kiệt bày tỏ.
VŨ YẾN