Lý Sơn: Gặp khó trong giải quyết việc làm cho thanh niên, phụ nữ

03:05, 14/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, UBND huyện Lý Sơn đã nỗ lực đào tạo nghề cho đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ. Tuy nhiên, do đặc thù về địa lý cũng như thiên tai, dịch bệnh khiến Lý Sơn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
 
[links()]
 
Nhiều nỗ lực...
 
Tháng 4/2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân đã tổ chức đối thoại với chủ đề: “Vấn đề khởi nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, phụ nữ trong giai đoạn hiện nay”. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy có kết luận, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các văn bản của trung ương, Tỉnh ủy về công tác phụ nữ, thanh niên. Trong đó, triển khai các giải pháp đảm bảo nhu cầu thiết thân của thanh niên, phụ nữ là khởi nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm.
 
Học sinh huyện Lý Sơn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp.     Ảnh: X.THIÊN
Học sinh huyện Lý Sơn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Ảnh: X.THIÊN
Thực hiện chỉ đạo này, trong năm 2021, huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các ban, ngành của huyện triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 20 của HĐND tỉnh quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), liên minh HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Lý Sơn đã tạo điều kiện cho Hội LHPN huyện thành lập các tổ sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn và tổ hợp tác sản xuất kinh doanh nước mắm cá cơm và hải sản khô Lý Sơn. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, giúp nâng cao thu nhập. 
 
Ngoài ra, huyện còn triển khai chương trình học bổng cho học sinh học xong phổ thông tham gia học nghề. Trong đó, huyện Lý Sơn đã triển khai thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018 - 2025. Toàn huyện có 70% học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT hệ công lập. Số còn lại học tập ở hệ giáo dục thường xuyên và học nghề.
 
Bên cạnh đó, UBND huyện Lý Sơn còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ và người dân. Huyện đã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lý Sơn xây dựng kế hoạch cho vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm. Ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và các nguồn tín dụng ưu đãi khác để đáp ứng nguồn vốn tín dụng Chính sách Xã hội tại địa phương. Đồng thời, tuyên truyền hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ và người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Trong quý I/2022, huyện Lý Sơn có 53 lao động được vay vốn ưu đãi, với số tiền giải ngân 2,1 tỷ đồng.
 
...nhưng vẫn còn khó khăn
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, việc giải quyết việc làm cho thanh niên, phụ nữ và nhân dân trong huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn trên cả 3 lĩnh vực. Đó là giải pháp hỗ trợ các dự án khởi nghiệp; đào tạo, giải quyết việc làm; tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, với các HTX đã hoạt động tại địa phương, phần lớn nguồn vốn chủ yếu do hội viên đóng góp, không có nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Nhiều HTX hoạt động cầm chừng, chưa phát huy  hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với các HTX phi nông nghiệp thì chỉ có 1 đơn vị hoạt động hiệu quả. Còn lại các HTX thương mại, dịch vụ, du lịch thì bị ảnh hưởng đáng kể do dịch Covid-19 kéo dài.  
 
Năm học 2021 - 2022, huyện Lý Sơn có 90 em tốt nghiệp THCS không được tuyển vào hệ giáo dục thường xuyên. Trong khi đó, do điều kiện đi lại và dịch bệnh phức tạp kéo dài nên các em không thể vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài huyện để học nghề, ảnh hưởng đến công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Mặt khác, do số lượng lao động có nhu cầu học nghề ít, phân tán nhiều ngành nghề, gây khó khăn cho việc tổ chức mở lớp dạy nghề cũng như mời các tổ chức doanh nghiệp về tư vấn, giới thiệu việc làm tại địa phương.        
 
X.THIÊN
 
 
 

.