5 luật có hiệu lực từ đầu năm 2022

03:12, 30/12/2021
.
Từ ngày 1/1/2022, 5 luật chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là những luật có tác động lớn đến đời sống xã hội của nước ta. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn thi hành cũng như quy định chi tiết và biện pháp thi hành các luật nêu trên, khắc phục cơ bản tình trạng “luật chờ nghị định”.
 
Nhiều chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng Việt Nam
 
Ngày 11/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam gồm 6 Chương, 36 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia". 
 
Nội dung luật cũng đã bổ sung nội dung “Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới” để thể chế hóa Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 
 
Ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị định số 106/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó nêu rõ các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với Bộ đội Biên phòng.
 
Cụ thể, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 5 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
 
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng đang có thời gian công tác liên tục từ đủ 5 năm trở lên ở khu vực biên giới đất liền, đảo, quần đảo, hằng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo. Trường hợp chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được quy định tại nhiều văn bản thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chế độ, chính sách đó. 
 
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng khi làm cán bộ tăng cường xã biên giới nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hằng tháng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe hằng năm tăng thêm theo quy định của pháp luật.
 
Bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
 
Ngày 13/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế cho Luật số 72/2006/QH11. 
 
Theo đó, Luật đã quy định rất nhiều nội dung thay đổi về thể chế hành lang pháp lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài so với Luật trước đây, nhất là việc bổ sung quyền của người lao động là có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, nhằm góp phần bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 
 
Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật mới, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2197/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng một Nghị định của Chính phủ, một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hai Thông tư của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội. 
 
Ngày 10/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật. 
 
Theo quy định của Nghị định số 112/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp trong nước hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại ngân hàng, tăng gấp đôi so với mức mức tiền ký quỹ đang áp dụng là 1 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức trần tiền ký quỹ, quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động. Theo đó, quy định doanh nghiệp dịch vụ và người lao động thỏa thuận về ngân hàng nhận ký quỹ, việc ký quỹ, trong đó tiền ký quỹ không vượt quá mức trần quy định. Đồng thời, phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 
 
Việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc. Tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra đối với doanh nghiệp dịch vụ.
 
Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường
 
Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 16 Chương, 171 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, thay thế Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13. 
 
Đáng chú ý, Luật mới có mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính... và lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò giám sát, phản biện và bảo đảm quyền, lợi ích của cộng đồng dân cư. 
 
Luật cũng đã được bổ sung các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. 
 
Đồng thời, Luật mới đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường và đăng ký môi trường. 
 
Luật mới cũng lần đầu tiên thiết kế khung chính sách hướng tới việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, đồng thời cải cách mạnh mẽ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. 
 
Luật mới có cách tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn. 
 
Theo đó, dự án đầu tư được phân thành bốn nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. 
 
Đặc biệt, luật mới cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm:
 
-  Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
 
-  Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường.
 
-  Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, virus độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.
 
-  Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường…
 
Từ ngày 15/6 đến ngày 15/8/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đóng góp vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến nay đang trình Chính phủ ban hành.
 
Thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt hành chính
 
Ngày 13/11/2021, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm 75 sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. 
 
Đáng chú ý, Luật mới đã bổ sung thêm 8 nhóm chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền. 
 
Ngoài ra, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, bên cạnh trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, khoản 61 điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy... 
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là luật có phạm vi tác động rộng lớn tới đời sống – xã hội, liên quan tới nhiều ngành, nghề. Để hướng dẫn thi hành, tới nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 (có hiệu lực từ ngày 10/7/2021) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 
 
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 100/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2021(có hiệu lực từ 1/1/2022) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.
 
Người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản thúc 1 năm
 
Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 Chương, 55 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. 
 
Luật đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, sự đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn bất cập trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy. 
 
Luật cũng sửa đổi căn bản toàn diện để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện thời gian qua, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn. 
 
Đáng chú ý, Luật quy định biện pháp cai nghiện ma túy gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc với những tiêu chí, điều kiện cụ thể. 
 
Để tránh trường hợp lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện, Luật quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên. 
 
Luật cũng có 1 điều riêng quy đinh cụ thể, nhân văn, phù hợp lứa tuổi về việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
 
Ngày 4/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy.
 
Đáng chú ý, Nghị định mới nêu rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý trong thời hạn 1 năm, thẩm quyền ra Quyết định quản lý là Chủ tịch UBND cấp xã, nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú ổn định hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với người không có nơi cư trú ổn định. 
 
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, trong thời gian bị quản lý, nếu những người này tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan chức năng sẽ đưa đi xác định tình trạng nghiện. Trường hợp kết luận bị nghiện thì sẽ bị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định. 
 
Lãnh đạo C04 cũng cho biết, việc quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không công khai ở địa bàn cư trú, chỉ có tổ công tác quản lý và gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy biết. Trong thời gian quản lý, họ vẫn được quyền sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường.
 
Theo Nhandan.vn
 

.