Mùa lúa rẫy về trên non cao

10:11, 07/11/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Dù không trồng phổ biến như lúa nước, nhưng trên mỗi nóc nhà ở huyện vùng cao, cây lúa rẫy không hề bị lãng quên trong đời sống của người dân nơi đây. Thời điểm này, những bông lúa trên các triền đồi dần chắc hạt, vàng ươm, nặng trĩu..., báo hiệu mùa lúa rẫy trên non cao đã về.
 
Rộn ràng mùa vàng
 
Tháng 10 âm lịch, tranh thủ trời tiết nắng đẹp, người dân vùng cao Quảng Ngãi bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa rẫy. Những hạt lúa rẫy gửi vào lòng đất, nay hội đủ linh khí của đất trời, đơm bông, tỏa hương thơm ngào ngạt, thu hút mọi ánh nhìn khi đi ngang qua các cánh đồng. Trên những triền đồi, các mẹ, các chị rộn ràng thu hoạch, gùi lúa về nhà. Lần theo giọng nói vang vọng từ một cánh đồng ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua (Sơn Tây), chúng tôi tìm đến được nơi mọi người đang thu hoạch. 
 
Tỉ mẫn dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, chị Đinh Thị Sa (37 tuổi) cho hay, từ sáng sớm đã gọi người thân ra đồng. Chỉ trong một buổi sáng, thửa ruộng đã thu hoạch gần xong. “Thời tiết năm nay không đảm bảo nhưng năng suất lúa vẫn đạt ở mức khá. Bà con vui mừng, phấn khởi lắm! Vợ chồng tôi gieo hơn một gùi giống nay cũng tuốt được 5 bao lúa tươi. Mọi người gùi lúa trĩu lưng mà gương mặt ai cũng rạng rỡ”, chị Sa cười nói vui vẻ. 
 
Trên những triền đồi ở vùng cao, người dân rộn ràng thu hoạch, mang lúa rẫy về nhà.
Trên những triền đồi ở vùng cao, người dân rộn ràng thu hoạch, mang lúa rẫy về nhà.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến, thời điểm này, một số nơi ở Sơn Tây đã rộn ràng bước vào mùa thu hoạch lúa rẫy. Mỗi năm, năng suất lúa rẫy trên địa bàn huyện dao động từ 14 - 16tạ/ha. Năm nay dự kiến đạt khoảng 16tạ/ha, cao hơn so với mọi năm.
 
“Cây lúa rẫy ở Sơn Tây không được khuyến khích trồng nhiều, bởi các triền núi có độ dốc cao. Việc người dân đốt rừng trồng lúa dễ gây xóa mòn đất, ảnh hưởng đến rừng. Mặc khác, khi tập trung trồng lúa rẫy, bỏ quên lúa nước sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực hằng năm. Tuy nhiên, một số hộ dân tận dụng phần diện tích đất trống sau khi thu hoạch keo để trồng lúa rẫy để có thêm lương thực giáp hạt với vụ lúa nước năm sau, cho hiệu quả cao là điều đáng mừng”, ông Khuyến cho hay.
 
Người dân khắp nơi trên Eo Chim, xã Hương Trà (Trà Bồng) thu hoạch lúa rẫy trong niềm vui được mùa.
Người dân ở Eo Chim, xã Hương Trà (Trà Bồng) thu hoạch lúa rẫy trong niềm vui được mùa.

 

Hạt lúa rẫy được mùa, to tròn, chắc hạt.
Hạt lúa rẫy được mùa, hạt to tròn, chắc hạt.

Khi tiết trời giao mùa se lạnh, hoa lau nở trắng khắp nơi, người Cor ở huyện vùng cao Trà Bồng cũng bước vào vụ thu hoạch lúa rẫy. Tại các triền đồi ở thôn Trà Huynh, xã Hương Trà, một màu vàng óng ả đẹp như tranh nổi bật lên giữa núi rừng hùng vỹ.

Ở cánh đồng lưng chừng đèo Eo Chim, chị Hồ Thị Lý (40 tuổi) vui mừng nói, trước khi gieo hạt lúa rẫy, đồng bào làm một lễ cúng để cầu xin thần linh ban cho mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa của dân làng. Năm nay lúa rẫy ở đây được mùa, bà con tranh thủ cúng mừng lúa mới, mừng mùa vụ bội thu. Được mùa lúa rẫy, Tết giã rạ của người Cor sắp đến sẽ vui lắm đây.

Trong khi nhiều nơi trong huyện phấn khởi vì lúa được mùa, cho năng suất cao thì tại thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) năng suất giảm xuống khoảng 2/3. Bà Hồ Thị Sương (65 tuổi) cho hay, mọi năm trồng một gùi lúa giống (tương đương một ang giống dưới đồng bằng) tuốt được 5 - 6 bao. Tuy nhiên, năm nay một gùi lúa giống thu hoạch chỉ 2 bao lúa tươi là cao nhất. 
 
Ở những nơi có địa hình cao như thôn Cả, trồng lúa nước hay lúa rẫy đều phụ thuộc vào nước trời và thời tiết. Thời tiết năm nay khô hạn kéo dài, gặp thời điểm cây lúa làm đòng nên năng suất giảm, chất lượng hạt kém, bông lép, nhiều gié.
 
Lúa rẫy ở thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) mất mùa hơn so với các nơi khác.
Lúa rẫy ở thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) mất mùa so với các nơi khác.
 
Lúa rẫy ở thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) mất mùa hơn.
Dù vụ lúa rẫy ở thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) mất mùa nhưng người vẫn cần mẫn ra đồng để tuốt sạch những "hạt ngọc" của đất trời. 
Bí thư Chi bộ thôn Cả Hồ Văn Yên chia sẻ, vụ lúa nước hè thu vừa qua đã thất thu, đến vụ lúa rẫy năng suất không như mong muốn, ai cũng kém vui. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống bà con càng khó khăn hơn, nên người dân đều trông đợi vào năng suất của cây lúa. Với tình hình này, tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm sẽ diễn ra trong thời gian đến.
 
Diện tích lúa rẫy trồng hằng năm ở huyện Trà Bồng khoảng 400 - 500 ha, năng suất dao động từ 12 - 14 tạ/ha. Năm nay, mặc dù một số nơi như thôn Cả (Trà Hiệp) và các xã phía Tây của huyện xảy ra tình trạng mất mùa nhưng năng suất bình quân trên toàn huyện vẫn đảm bảo 14 tạ/ha, sản lượng đạt 420 tấn. 
 
Trồng lúa để giữ giống
 
Từ xa xưa, ở vùng cao đã có truyền thống sản xuất lúa rẫy. Không đơn thuần là cây lương thực để duy trì cuộc sống, lúa rẫy còn ẩn chứa một nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao.
 
Trong các dịp đặc biệt như lễ hội, cúng, giỗ, cơm lúa rẫy hay các loại bánh truyền thống làm từ nguyên liệu này là món ẩm thực dâng cúng không thể thiếu, thông báo đến thần linh, ông bà tổ tiên về một mùa vụ ấm no, hạnh phúc. Ngược lại, mâm cúng sẽ mất đi hồn riêng trong đời sống hằng ngày nếu không có sự hiện diện của lúa rẫy. 
 
“Chính từ những giá trị truyền thống và sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa hằng ngày mà mỗi nóc nhà ở huyện vùng cao, dù ít nhiều các hộ đều trồng để có giống duy trì cho các vụ sau”, anh Hồ Văn Yên, cho biết thêm.
 
Dù năng suất thấp hơn lúa nước nhưng đồng bào vùng cao vẫn duy trì trồng lúa để giữ giống, phục vụ cho đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống.
Dù năng suất thấp hơn lúa nước nhưng đồng bào vùng cao vẫn duy trì trồng lúa rẫy để giữ giống, phục vụ cho đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống. 
 

“Cây lúa rẫy được xem là một đặc sản đặc trưng của huyện vùng cao nên không thể bỏ đi. Lúa rẫy đang được khuyến khích trồng xen kẽ trở lại trên diện tích đất sản xuất cây hàng năm để bảo tồn giống quý. Định hướng của huyện sẽ phát triển lúa rẫy thành sản phẩm nông sản mang đặc trưng riêng của huyện”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng
HUỲNH THỊ THANH THÚY

Hằng năm, vào độ tháng 3, người dân lên nương phát rẫy. Khi rẫy đã được đốt xong, dọn sạch để lại trên mặt đất một lớp tàn tro và bên dưới là phần đất khá màu mỡ mới gieo hạt. Trước đây, chỗ nào thích hợp, người dân sẽ tự tiện phát rẫy để trồng. Những năm gần đây, nhận thức việc phá rừng làm nương rẫy tràn lan sẽ ảnh hưởng đến đất rừng, nên người dân chỉ phát ở vùng được cho phép. Nhiều người còn tận dụng phần đất trồng keo, quế sau khi thu hoạch để trồng, không để đất trống, bỏ hoang.

Lúa rẫy khi nấu chín hạt rời và có vị ngọt, bùi rất riêng biệt. Ngày càng có nhiều khách du lịch, người dân các nơi tìm đến thưởng thức lúa rẫy, bởi lúa được trồng hoàn toàn tự nhiên theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Hạt gạo được giã thủ công nên giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Chính vì thế, dù năng suất thấp hơn nhưng giá của lúa rẫy thì cao hơn so với lúa nước.
 
Bài, ảnh:  THIÊN HẬU - MAI LỰC
 

.