Gìn giữ nghề rèn

09:11, 02/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghề rèn với hình ảnh những bếp lò đỏ lửa, tiếng đe, tiếng búa... từng gắn bó với bao thế hệ người dân thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (Bình Sơn). Cũng bởi yêu nghề truyền thống nên một vài hộ dân vẫn giữ nghề để lò rèn luôn đỏ lửa. 
[links()]
 
Bên bếp than đỏ rực, ông Phạm Chương (80 tuổi) ở thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung mở đầu câu chuyện với những hoài niệm về thời hoàng kim của nghề rèn. Ông Chương là thế hệ thứ 6 trong gia đình làm nghề rèn. Ông  theo cha học nghề rèn từ năm 24 tuổi và gắn bó với nghề mãi cho đến giờ. “Nghề rèn xưa kia làm ăn được lắm, cả họ cùng làm nghề. Các lò rèn hoạt động nhộn nhịp, đỏ lửa quanh năm", ông Chương kể. 
 
Lò rèn của ông Phạm Dương luôn đỏ lửa mỗi ngày.                              ẢNH: TRUNG ÂN
Lò rèn của ông Phạm Dương luôn đỏ lửa mỗi ngày. ẢNH: TRUNG ÂN
Giờ đây, tuy không thịnh hành như trước, nhưng lò rèn của gia đình ông Chương vẫn đỏ lửa quanh năm, chủ yếu làm các sản phẩm như liềm, dao, rựa... Các sản phẩm làm ra đều được khách hàng đặt mua, nhất là ở các tỉnh phía nam. 
 
 Ông Phạm Dương (56 tuổi), con trai của ông Chương, cũng luôn cố gắng giữ nghề truyền thống. Lúc còn nhỏ, ông Dương theo cha phụ việc, riết rồi yêu nghề rèn lúc nào chẳng hay. Ông Dương tâm sự, nghề này coi vậy chứ đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công. Bên cạnh sức khỏe dẻo dai thì người thợ phải có tính kiên nhẫn. Trong các khâu tạo ra sản phẩm, công đoạn đập là quan trọng nhất. Dù đập không khó nhưng phải đều tay, biết lúc nào cần đập mạnh, đập nhẹ. Có nhiều thanh niên theo học nghề rèn nhưng ít người "trụ" được. 
 
Ở thôn Phú Lễ, ông Phạm Văn Hiệu (65 tuổi) cũng gắn bó với nghề rèn hơn 50 năm. Ông Hiệu đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của nghề rèn. Thị trường ngày một đa dạng với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm làm bằng máy móc và nhập khẩu. Vì vậy, nhiều thợ rèn đã chuyển nghề. “Không thật sự yêu nghề thì không làm nổi nghề này đâu. Mùa hè nắng nóng, vậy mà thợ rèn vẫn ngồi bên lò lửa đỏ rực. Dù thế nào đi nữa, ông tôi yêu quý và gắn bó cuộc đời mình với nghề rèn", ông Hiệu chia sẻ.
 
Những người thợ rèn thuần thục như ông Chương, ông Dương, ông Hiệu... vẫn muốn gìn giữ và truyền dạy nghề xưa. Bởi đó không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà còn mang nét văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ và làng quê. 
 
TRUNG ÂN
 
 
 

.