Tự hào những người mẹ anh hùng

09:09, 14/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tết Độc lập về, nhớ lại ký ức hào hùng, những truyền thống bất khuất của dân tộc và cả những mất mát, hy sinh của những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), chúng ta càng thêm tự hào về những người Mẹ đã hy sinh một phần máu thịt của mình để làm nên đất nước phồn vinh, dân tộc tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay.
[links()]
 
Trong cái nắng dịu của những ngày đầu thu, chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Cao Thị Chánh (77 tuổi), ở thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). Dù tuổi đã cao nhưng Mẹ Chánh vẫn còn khỏe và khá minh mẫn. Mẹ Chánh có 11 người con thì 4 người mất vì bom rơi, đạn lạc. Hai người con trai Đặng Thuộc và Đặng Phúc hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1965, anh Thuộc hy sinh tại Mỏ Cày (Mộ Đức) khi mới bước sang tuổi 18, đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Tiếp bước anh trai, người con trai thứ 6 của Mẹ là anh Đặng Phúc tiếp tục dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của quê hương. Năm 1972, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Nguyên đán, Mẹ Chánh lại nhận được tin dữ, anh Phúc hy sinh tại cầu Điện An, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa).
 
Mẹ VNAH Phan Thị Phu (giữa) vui vầy bên gia đình người con gái út.
Mẹ VNAH Phan Thị Phu (giữa) vui vầy bên gia đình người con gái út.
Ngẫm về quá khứ đau thương, Mẹ Chánh gạt nước mắt bộc bạch, các con trai của Mẹ hy sinh vì nước, vì dân cũng là để cho đất nước được yên bình. Đau thương, buồn tủi nhưng Mẹ cũng rất đỗi tự hào. Ở tuổi này, điều Mẹ mong mỏi nhất vẫn là mong tìm được hài cốt của thằng Thuộc mà thôi!
 
Hai con trai của Mẹ Chánh đã ra đi mãi mãi. Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng, nhưng Mẹ luôn tự hào vì sự hy sinh của các anh đã góp phần dệt nên trang sử vàng cho dân tộc. Đất nước thống nhất, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, những người con khác của Mẹ đã tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mẹ Cao Thị Chánh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014.
 
Với Mẹ Phan Thị Phu (98 tuổi), ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), dù chiến tranh đã lùi xa, ký ức lúc nhớ, lúc quên, nhưng trong thẳm sâu tâm trí vẫn hằn in bóng dáng các con những ngày còn bên Mẹ. Chồng Mẹ là ông Hồ Đích từng là Phó Chủ tịch Nông hội. Nối gót cha, người con trai duy nhất của Mẹ là anh Hồ Tôn cũng tham gia du kích.
 
Hai người đàn ông trong gia đình đều đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, lâu lâu chồng con mới ghé về thăm nhà được vài phút rồi lại đi. Cho đến một ngày cuối năm 1966, Mẹ Phu sững sờ nhận được tin báo cả chồng và con trai Mẹ đều không thể trở về thăm mình được nữa, vì cả hai đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Nén đau thương vào lòng, Mẹ Phu tập trung lao động để nuôi hai người con gái nhỏ, không chỉ vậy Mẹ còn tham gia chuyển thương, tải gạo... góp sức cho kháng chiến. Mẹ Phu chia sẻ, lúc bấy giờ chiến tranh ác liệt lắm, có hàng triệu người hy sinh; có những gia đình hy sinh không còn một ai. So với những khó khăn, gian khổ mà đất nước mình đã trải qua thì sự đóng góp của gia đình Mẹ chỉ là một phần nhỏ thôi.
 
Đến nay, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, những mất mát của riêng mình, Mẹ Phu xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân Việt Nam khi đất nước cần. Năm 2020, hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, dù tuổi cao, sức yếu, Mẹ Phu vẫn dành dụm số tiền tiết kiệm nhờ con cháu mua 30kg gạo và một số nhu yếu phẩm. Rồi Mẹ lặn lội mang đến tận nơi để ủng hộ cho lực lượng phòng, chống dịch ở huyện Tư Nghĩa. Sự hy sinh thầm lặng của Mẹ trong chiến tranh cũng như trong hòa bình đã lan tỏa hương thơm cho đời.
 
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Từ phong trào “Áo lụa tặng bà” của các cháu thiếu nhi, đến việc nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH suốt đời của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, hay việc xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm cho các Mẹ VNAH đã khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
 
Tết Độc lập, nghĩ về các Mẹ, tôi lại nhớ đến lời bài hát "Đất nước" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi/ Hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng yên...".
 
Quảng Ngãi có hơn 6.800 Mẹ Việt Nam Anh hùng
 
Kết thúc các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quảng Ngãi có trên 6.800 bà mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hiện nay, chỉ có 260 Mẹ còn sống. Sự cống hiến của các Mẹ là niềm tự hào, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng quê hương, dân tộc.
XUÂN HIẾU
 
 
 
 
 

.