Những người lính trung dũng, nghĩa tình

09:09, 14/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời chiến tranh, những người lính Đại đội 219 anh hùng xông pha trận mạc. Đất nước hòa bình, họ lại chung tay xây dựng quê hương và luôn hướng về đồng đội.
 
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những cựu chiến binh Đại đội 219 anh hùng không thể tổ chức gặp mặt ôn lại truyền thống nhân dịp 60 năm ngày thành lập đơn vị (2/9/1961 - 2/9/2021). Dẫu vậy, tâm trí họ vẫn luôn ghi nhớ những tháng ngày hào hùng năm xưa.
 
Lập nhiều chiến công
 
Ở tuổi 68, Thượng úy Võ Hữu Thọ, ở phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) vẫn nhớ như in trận đánh vào tháng 10/1972 tại làng Kim Giao, xã Phổ Thuận. Tầm 8 giờ sáng hôm ấy, lính Việt Nam cộng hòa với quân số hơn 1 tiểu đoàn từ phía Quốc lộ 1 đi càn vào làng. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 219 cùng du kích xã Phổ Thuận chừng 60 người chia thành nhiều tổ đón địch. Ông Thọ cùng đồng đội ém mình bên bờ suối cạn, giao thông hào chờ đối phương lọt vào trận địa. Khi địch cách chừng 30m, các ông dùng lựu đạn, thủ pháo đánh tới tấp vào đội hình lính Việt Nam cộng hòa. Sau chừng 30 phút, đại đội làm chủ trận địa và đồng loạt xung phong truy kích quân thù. "Trận đó thu được 1 máy truyền tin PRC 25 cùng một số vũ khí và tiêu diệt khoảng 30 tên địch...", ông Thọ nhớ lại.
 
Cựu chiến binh Đại đội 219 và các đại biểu tham quan gian trưng bày hiện vật tại Nhà tưởng niệm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Nghiêm (Ảnh chụp ngày 2/9/2017).
Cựu chiến binh Đại đội 219 và các đại biểu tham quan gian trưng bày hiện vật tại Nhà tưởng niệm nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Nghiêm (Ảnh chụp ngày 2/9/2017).
Còn với Đại tá Ngô Đức Tấn, dù gần 60 năm trôi qua, nhưng ông vẫn nhớ từng chi tiết trận đánh từ ngày 12 - 14/10/1964 tại làng Thủy Triều, xã Phổ Văn (nay là tổ dân phố Thủy Triều, phường Phổ Văn). Khi đó, ông Tấn là Tiểu đội trưởng (sau đảm nhận chức vụ Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 307) cùng 8 chiến sĩ bí mật đột nhập ấp chiến lược Thủy Triều. Họ huấn luyện 10 du kích, cải tạo đường hào ấp chiến lược thành giao thông hào liên hoàn, sẵn sàng đánh địch. 
 
Nhận được tin báo, Liên đoàn biệt động 37 Việt Nam cộng hòa chia làm 2 mũi tiến vào làng. Chờ đối phương đến gần, ông Tấn cùng đồng đội nổ súng, ném lựu đạn dồn dập. Hàng chục lính ngụy ngã gục, số còn lại hốt hoảng bỏ chạy tán loạn. Sau đó, lính Việt Nam cộng hòa củng cố đội hình và tổ chức đợt tấn công thứ 2 nhưng tiếp tục bị đánh bật ra khỏi ấp chiến lược. Họ liền gọi pháo ở các căn cứ quân sự gần đó bắn yểm trợ rồi tổ chức nhiều đợt tấn công nhưng đều thất bại, đành phải tháo lui. "Trận đó ta thu được hàng trăm khẩu súng phải huy động người chuyển về Huyện đội và Đại đội 219 trang bị cho anh em. Sau đó, tôi được cử lên Quân khu 5 báo cáo kinh nghiệm về việc biến ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu của ta", ông Tấn chia sẻ.   
Đại đội 219 thành lập ngày 2/9/1961, với 72 cán bộ, chiến sĩ, trực thuộc Huyện đội Đức Phổ. Đơn vị tham gia nhiều trận đánh khiến địch khiếp vía. Những thành tích của đơn vị được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 2/2010 (cùng Đại đội nữ Hồng Gấm và Đại đội đặc công C120).
Nghĩa tình đồng đội
 
Sau khi xuất ngũ, Thượng úy Võ Hữu Thọ trở về quê nhà và tham gia công tác ở địa phương. Dù khá bận rộn nhưng ông vẫn sắp xếp công việc cùng đồng đội và cơ quan chức năng tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông cùng các cựu chiến binh Đại đội 219 vận động, quyên góp kinh phí giúp đỡ cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các ông luôn đến thăm hỏi, động viên đồng đội lúc ốm đau và phúng viếng khi có người qua đời. "Tôi bị thương nặng khi tham gia trận đánh Gò Sỏi, xã Bình Trung (Bình Sơn) vào ngày 16/3/1975 nhưng còn sống là may mắn lắm rồi. Thương những đồng đội đã hy sinh, không được an hưởng cuộc sống hòa bình. Vậy nên chúng tôi cố gắng tìm kiếm, quy tập hài cốt để đồng đội được yên nghỉ", ông Thọ tâm sự.
 
Ở tuổi xế chiều, nhiều cựu chiến binh Đại đội 219 vẫn hăng say lao động sản xuất, nhắc nhở cháu con phát huy truyền thống của thế hệ cha ông. Những dịp gặp gỡ, họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ hào hùng, thuở xông pha trong lửa đạn. "Chúng tôi luôn phát huy truyền thống Đại đội 219 anh hùng, trong chiến tranh cũng như hòa bình. Đó là đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ lúc chiến tranh và vươn lên trong cuộc sống khi đất nước thanh bình", Đại tá Nguyễn Văn Đi cho biết.
 
Bài, ảnh: TRANG THY
 
 
 
 

.