Nghĩa Hành: Dấu ấn 40 năm

10:09, 02/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 24/8/1981 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với huyện Nghĩa Hành. Đó là ngày Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 41-HĐBT về việc thành lập một số huyện thuộc tỉnh Nghĩa Bình, trong đó có việc tách huyện Nghĩa Minh thành huyện Nghĩa Hành và Minh Long.
[links()]
 
Trong 40 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực của toàn dân, huyện Nghĩa Hành đã vươn lên xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Vững vàng vượt qua gian khó
 
Những ngày đầu mới tái lập huyện, Nghĩa Hành là huyện nghèo nhất trong các huyện đồng bằng của Quảng Ngãi. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nghèo nàn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trình độ canh tác lạc hậu, nguy cơ mất an ninh lương thực luôn thường trực. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương ở Nghĩa Hành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp. Hưởng lợi từ đại công trình thủy lợi Thạch Nham, cộng với đầu tư các hồ chứa và kiên cố hệ thống kênh mương kịp thời, hàng nghìn héc ta đất canh tác nông nghiệp của huyện đảm bảo nước tưới ổn định. Từ đó, năng suất lúa, sản lượng lương thực tăng lên, giải quyết cơ bản bài toán lương thực, ổn định đời sống nhân dân.
 
Một góc trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành hôm nay.
Một góc trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành hôm nay.
Từ chỗ thiếu ăn trong những năm đầu tái lập huyện, đến nay Nghĩa Hành phát triển nông nghiệp khá bền vững. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện được tưới và tiêu nước chủ động đạt 6.540/7.980ha. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của huyện đạt 81,6 triệu đồng/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 52.216 tấn; lương thực bình quân 623kg/người/năm. Nghĩa Hành là huyện xây dựng được nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn quả, cho thu nhập khá.
“Những thành tựu của công cuộc đổi mới trong 40 năm qua là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân huyện Nghĩa Hành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của các cấp ủy đảng; sự quan tâm của tỉnh và trung ương. Đây chính là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền vững của Nghĩa Hành trong tương lai. Trong giai đoạn phát triển mới, Nghĩa Hành sẽ tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển".
 
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành ĐINH XUÂN SÂM
Phát triển hài hòa, bền vững
 
Trong 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của trung ương và của tỉnh, huyện Nghĩa Hành đã có những bước phát triển vượt bậc, ngang bằng với các huyện đồng bằng trong phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.
 
Nông dân huyện Nghĩa Hành đầu tư trồng bưởi mang lại thu nhập khá.
Nông dân huyện Nghĩa Hành đầu tư trồng bưởi mang lại thu nhập khá.
Phát huy lợi thế, tiềm năng, Nghĩa Hành đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trên lĩnh vực chăn nuôi, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt và sản xuất đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Các công trình như trạm y tế, trường học, nước sạch được xây dựng đều khắp trên địa bàn huyện. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được đẩy mạnh; an sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được giữ vững.
 
Hiện tại, quy mô và cơ cấu kinh tế của Nghĩa Hành đã có sự thay đổi lớn, nhất là trong 5 năm trở lại đây. Năm 2020, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 4.214 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 10,46%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thuỷ sản.
 
Đến cuối năm 2020, giá trị nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm 23,3%; công nghiệp - xây dựng 29,4% và thương mại - dịch vụ 47,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm đạt trên 507 tỷ đồng và số thu này tăng dần hằng năm nhờ công nghiệp đang trên đà phát triển. Hiện Nghĩa Hành đã xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả Cụm công nghiệp Đồng Dinh, với hàng chục doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
 
Công nhân Nhà máy may Vinatex Nghĩa Hành (cụm công nghiệp Đồng Dinh) may hàng xuất khẩu.
Công nhân Nhà máy may Vinatex Nghĩa Hành (cụm công nghiệp Đồng Dinh) may hàng xuất khẩu.
Chăm lo đời sống người dân
 
Thực hiện phương châm "mọi mục tiêu phát triển đều hướng đến sự ổn định và phát triển kinh tế bền vững của mỗi người dân", huyện Nghĩa Hành đã có những quyết sách đúng đắn. Thể hiện sinh động nhất là hành trình 10 năm bền bỉ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2018, Nghĩa Hành là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM. Đây là thành quả kết tinh của sự đoàn kết, đồng thuận và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, là dấu son trong quá trình phát triển, nâng cao đời sống người dân trong huyện.
 
Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, song khi triển khai xây dựng NTM, từ năm 2016 - 2020, huyện Nghĩa Hành đã huy động được khoảng 1.311 tỷ đồng, trong đó ngân sách các cấp 261 tỷ đồng; vốn lồng ghép 860 tỷ đồng; vốn tín dụng 190 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện hạ tầng và phát triển sản xuất, tạo nên sự đổi thay toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, thu nhập bình quân ước đạt 41,34 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%; 100% trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt hơn 50%; trên 90% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa.
 
Xác định thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân là thước đo kết quả xây dựng NTM, huyện gắn việc xây dựng NTM với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ đầu tư hàng trăm mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cánh đồng lớn, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất... Qua đó, từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Nghĩa Hành sẽ nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng huyện NTM; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.