(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nghề may gia công phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh và thu hút nhiều lao động nữ tham gia. Nhờ may gia công, chị em không chỉ có nguồn thu nhập ổn định ngay tại quê nhà, mà còn có điều kiện chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
[links()]
Vài năm trở lại đây, nghề may gia công phát triển mạnh ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn). Năm 2018, từ một vài hộ tiên phong nhận các đơn đặt hàng ở TP.Hồ Chí Minh về gia công ráp quần áo, thì đến nay toàn xã có gần 150 hộ dân gắn bó với công việc này.
Chị Đào Thị Cần, ở thôn Thạch An, xã Bình Mỹ, là một trong những đầu mối nhận hàng may gia công cho hay: "Hiện có gần 20 chị em nhận hàng tại cơ sở của tôi đem về nhà để may. Mỗi chị em chỉ cần trang bị 1 máy may và 1 máy vắt sổ là có thể làm được việc này. Tôi là người chịu trách nhiệm kiểm tra, chuyển hàng đi và trả công cho chị em. Trung bình mỗi thợ may tại nhà có mức thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng/tháng".
Nhiều phụ nữ ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn) có thu nhập ổn định nhờ may gia công. |
Chị Thới Thị Thúy, ở Thôn Thạch An, xã Bình Mỹ chia sẻ: "Tôi từng làm thợ may ở TP.Hồ Chí Minh. Sau đó tôi lấy chồng ở quê, sinh con và ở nhà để chăm sóc con cái và gia đình. Gần 3 năm qua tôi nhận hàng về may tại nhà, vừa có điều kiện đưa đón con đi học, làm ruộng, chăn nuôi heo bò, vừa có thêm thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng từ nghề may".
Ở xã Bình Trị (Bình Sơn) cũng có hàng trăm phụ nữ sống nhờ nghề may gia công. Với nguồn hàng ổn định, nghề may gia công ngày càng phát triển, giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trị Nguyễn Thị Ngọc Tâm cho biết: Toàn xã có hơn 20 cơ sở may gia công đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động. Nhờ nghề may gia công, nhiều lao động ở địa phương không phải rời quê mưu sinh, đặc biệt là chị em phụ nữ có thêm điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Còn ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), nghề may gia công phát triển ở khắp các thôn và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Trong nhiều năm qua, Hội LHPN xã đã đứng ra tín chấp ngân hàng giúp các chủ cơ sở may gia công, hội viên phụ nữ có thêm vốn mở rộng sản xuất, phát triển nghề may tại nhà.
Còn ở xã Bình Mỹ, cuối năm 2020, Hội Nông dân xã đã thành lập tổ hội nghề nghiệp may gia công với gần 20 thành viên để liên kết, hỗ trợ vay vốn, giúp các thành viên phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Mỹ Nguyễn Hồng Liễn cho biết: Bình Mỹ là xã thuần nông. Cứ vào mùa nông nhàn, nhiều người dân lại đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nghề may gia công phát triển đã giúp nhiều gia đình tăng thêm thu nhập mà không cần xa quê. Thời gian đến, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục giúp nhiều hội viên vay vốn để phát triển và mở rộng nghề may gia công.
Bài, ảnh: H.THU