(Baoquangngai.vn) – Nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 của Trường THPT Lê Trung Đình, 17 năm qua, gần 20 hộ dân phải sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp, ô nhiễm môi trường do không được cơi nới thêm, xây mới.
[links()]
Bế tắc trên đất cmình
Con đường Phan Đình Phùng đông đúc náo nhiệt, chỉ cách đó vài chục mét vào trong hẻm là bầu không khí khác hẳn. Sau những ngôi nhà cao tầng hoành tráng là nơi có 19 hộ dân của phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) với nhiều mảnh đời khổ sở vì quy hoạch treo.
Tháng 3, rét nàng Bân mưa đột ngột, bà Nguyễn Thị Bui (87 tuổi) ngồi lom khom trên chiếc chỏng tre, ngoái đầu lên mái ngói, nhìn nước mưa theo ngói bể đổ xối xả xuống tường, nền nhà.
Căn nhà xây đã gần 40 năm sát vách với Trường THPT Lê Trung Đình là nơi ở của bà, con gái và 3 đứa cháu ngoại. Nhà cửa xiêu vẹo, rách nát, trống trải. Nhà vệ sinh cũ đã hỏng, mọi nước thải của gia đình bà Bui đều thải ra khu vườn, gây ô nhiễm môi trường.
Trong nhà chẳng có chút đồ đạc gì đáng giá. Quần áo, đồ đạc cũ treo, chất đống ngổn ngang trong nhà ra ngoài hiên tận xó bếp, thứ gì cũng cũ mèm.
Bà Bui và 4 con, cháu phải sống trong căn nhà xuống cấp nặng vì quy hoạch treo. |
Lau những giọt nước mắt chực trào, bà Bui run run nói: “Chờ mười mấy năm ròng rã, ông nhà tôi đến lúc mất ghế thờ cũng bị dột nước. Tôi mong được cấp sổ đỏ để bán chút đất xây lại cái nhà cho con cháu ở, có chỗ thờ cúng ông đàng hoàng”.
Cách nhà bà Bui 2 căn nhà là nhà ông Nguyễn Xảo (90 tuổi) có đến 4 thế hệ sống chung một mái nhà. Mảnh đất của ông Xảo rộng đến hơn 900m2, nhưng cả gia đình phải chui rúc trong căn nhà cấp 4 xập xệ.
“Lúc được thông tin nhà nằm trong quy hoạch, các hộ dân đều thuận theo. Vậy mà 17 năm đâu vẫn còn đó, nhà cửa xuống cấp, bán cũng không được ở cũng không xong, khổ lắm”- ông Xảo nói.
Ngôi nhà xây gần 30 năm đã rệu rã, vớp vữa tường bung ra, phần bê tông bị nứt trông thấy cả sắt bên trong. Cuộc sống của đại gia đình ông Xảo vô cùng chật vật.
Phòng khách hơn 10m2 đặt thêm chiếc giường ngủ, chất thêm đồ đạc. Bàn học của đứa cháu học lớp 7 phải kê dưới bếp, ba chỉ em ngủ chung một phòng. Trời nắng thì hầm hập, mưa xuống là nước ngập vào nhà.
Gia đình bà Bui bế tắc trên chính đất của mình. |
“Cứ mưa lớn là vợ chồng phải chạy mô tơ bơm nước ra phía sau, nhà cửa như con mèo ướt. Con cháu không có chỗ ăn, chỗ ngủ chỗ học tử tế, nghĩ mà chán nản”- bà Thi, con dâu ông Xảo than thở.
Dù rất muốn chia đất cho con cháu để xây nhà sống riêng, nhưng cả gia đình ông Xảo vẫn phải gồng mình sống chen chúc trong ngôi nhà ọp ẹp. Bởi muốn cũng không được xây dựng và làm nhà mới mà chỉ hỏng đâu sửa đó.
Bao giờ hết treo?
Dự án Trường THPT Lê Trung Đình được triển khai từ 2004 trên diện tích quy hoạch 23.483m2. Giai đoạn 1, chủ đầu tư là Trường THPT Lê Trung Đình và sau đó là Sở GD&ĐT. Dự án đã thu hồi gần 21.000m2 đất và bố trí đất tái định cư cho người dân.
Đã 17 năm, nhiều lần gửi đơn, nhưng kiến nghị của các hộ dân vẫn chưa được giải quyết. |
Đến năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2 của dự án trên diện tích 2.528m2. Chủ đầu tư được chuyển sang Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.
Năm 2018, UBND tỉnh có quyết định loại khỏi dự án phần bồi thường mở rộng, không lấy đất của 19 hộ dân. Được loại ra khỏi dự án, nhưng từ đó đến nay, các hộ dân vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vẫn nằm trong vùng quy hoạch.
Theo Phó Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình xây dựng và dân dụng tỉnh, ông Nguyễn Thành Trung, hiện Ban Quản lý dự án đã gửi hồ sơ của dự án cho Phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi, để cơ quan này tham mưu cấp trên, loại diện tích đất này ra khỏi quy hoạch, cấp sổ đỏ cho dân.
Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Quảng Ngãi, ông Bùi Đức Thuận cho biết, trong tuần qua, thành phố đã có cuộc họp với Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình xây dựng và dân dụng tỉnh để tháo gỡ vướng mắc. Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố kiến nghị Sở TM&MT loại bỏ phần diện tích này ra khỏi quy hoạch.
Bài, ảnh: C.P