(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021 do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lựa chọn, nhằm tôn vinh những giá trị của WMO trong việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống Trái đất.
[links()]
Nghe bản tin thời tiết mỗi ngày
“Nếu không có dự báo thời tiết, người dân sẽ gặp rất nhiều rủi ro và tổn thất về người, tài sản”, ông Lê Văn Ba, ở xã Bình Trị (Bình Sơn) chia sẻ. Sinh sống ở vùng ven biển, ông Ba nhiều lần chứng kiến tình trạng biển bị xâm thực, cũng như sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Dù đã có máy móc hỗ trợ, nhưng người làm công tác khí tượng thủy văn phải liên tục xử lý số liệu 30 phút/lần, để cho ra những bản tin dự báo kịp thời và đảm bảo tính chuẩn xác cao nhất. |
Còn với gia đình ông Nguyễn Sáu, ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành), việc theo dõi các bản tin dự báo thời tiết là việc không thể thiếu mỗi ngày. Nhờ đó mà ông Sáu tránh được ngày mưa gió mỗi khi thu hoạch nông sản, cũng như luôn chủ động trong việc phòng, chống ngập lụt.
Ngày 23.3 hằng năm được WMO lấy làm Ngày Khí tượng Thế giới. Năm nay, với chủ đề “Đại dương, khí hậu và thời tiết của chúng ta”, WMO muốn chuyển tải thông điệp về việc nâng cao trách nhiệm, năng lực dự báo, cảnh báo biển, bảo vệ cuộc sống, sinh kế của người dân ở trên biển; phục hồi môi trường tự nhiên, tái trồng rừng, tái phát triển rừng bảo vệ và giảm thiểu thiên tai tác động đến người dân... Năm 2021, nước ta tổ chức kỷ niệm Ngày Khí tượng Thế giới gắn với thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Một tỷ cây xanh” vì một Việt Nam xanh. |
Thầm lặng nghề “đếm gió đo mưa”
Thời gian qua, ngành khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh được đầu tư thiết bị, máy móc và xây dựng 52 trạm đo mưa tự động ở nhiều địa phương trong tỉnh; đồng thời ứng dụng công nghệ vào việc giám sát và cập nhật liên tục mực nước các sông, tình trạng thời tiết có thể xảy ra... Vì thế, công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh đã báo điểm, dự báo chi tiết các thông số về mực nước, tốc độ gió, thời gian và mức độ ảnh hưởng... ở từng địa phương. Chính vì vậy, đợt lũ lịch sử vào tháng 11.2013 hay bão số 9 năm 2020, những bản tin dự báo, cảnh báo chuẩn xác của ngành KTTV, trong đó có sự góp sức của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh đã giúp chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân trong tỉnh kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, nên không có thiệt hại về người.
Để có những bản tin dự báo, cảnh báo “vô giá” ấy là sự hy sinh, đóng góp thầm lặng của những người trực tiếp “đo mưa, đếm gió”. Mỗi khi có ATNĐ hay mưa bão, 100% cán bộ Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh đều "trực chiến". Nhất là ở các Trạm đo mưa, do nằm biệt lập với khu dân cư, trang thiết bị thiếu thốn nên mỗi khi mưa to gió lớn, cán bộ gặp rất nhiều khó khăn và hiểm nguy. “Vì số liệu được phát báo quốc tế, nên cứ 30 phút là anh em phải ghi chép và xử lý các thông số về độ ẩm, tốc độ gió, cường độ mưa, lưu lượng nước, lũ ở các sông... để giúp chuyên gia dự báo, cảnh báo sớm các loại hình thiên tai. Từ đó đưa ra các khuyến cáo giúp chính quyền và người dân kích hoạt sớm hệ thống phòng chống thiên tai, để giảm rủi ro thiệt hại”, Giám đốc Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Nhâm Xuân Sỹ cho biết.
Bất kể thời tiết nắng mưa hay gió bão, những người công tác trong ngành KTTV vẫn miệt mài với công việc của mình. Những đợt mưa to bão lớn, họ sẵn sàng gác lại chuyện gia đình, để toàn tâm toàn ý cho ra những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời và có tính chuẩn xác cao nhất, dù không ít cán bộ ngành KTTV cũng rơi vào cảnh “nhà cửa hư hỏng, tài sản bị ướt” mỗi khi bão đến, lũ qua...
Bài, ảnh: MỸ HOA