(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 2 năm tham gia dự án Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt ở làng Gò Cỏ, hướng tới mục tiêu “làng du lịch không rác”, làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) ngày một sạch, đẹp, trong lành, cùng với thiên nhiên thơ mộng đã góp phần níu chân du khách. Đây là ngôi làng du lịch đầu tiên "nói không với rác thải nhựa", đảm bảo các tiêu chí về môi trường xanh, sạch, đẹp.
[links()]
Giữ làng sạch, đẹp
Gò Cỏ là một ngôi làng nhỏ ven biển ở Quảng Ngãi, nơi lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng nghìn năm. Ngôi làng này đã và đang không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ trải nghiệm văn hóa. Một ngôi làng còn giữ được hồn cốt của một làng Chămpa cổ xưa. Và quan trọng hơn, để tăng điểm cộng, tạo ra điểm đến thú vị cho du khách, người dân trong làng đã nỗ lực học hỏi cách làm du lịch cộng đồng, cùng chung tay giữ gìn môi trường sạch, đẹp...
Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) là nơi lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về các nền văn hóa cổ. |
Ở đây, các nhà đều san sát nhau nằm bên mé biển quanh năm vỗ sóng rì rào. Ngư dân Gò Cỏ sống bình lặng với những chiếc thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Người trong làng thường dùng các vật dụng đan lát bằng tre như nong, nia, rổ, thúng, kể cả những chiếc mũ cũng đan bằng lá dừa rất thú vị. Đó đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Làng Gò Cỏ có khoảng 70 nóc nhà, hầu hết là nhà cấp 4, nhỏ xinh, gọn gàng, sạch đẹp bên những giàn hoa giấy rực rỡ, những buồng dừa trĩu quả. Làng Gò Cỏ bình lặng, không ồn ào, không bị đô thị hóa... nên du khách vô cùng thích thú. Họ xem Gò Cỏ như cô gái quê chân chất, mộc mạc, thuần khiết.
Bà Nguyễn Thị Đào, người dân ở làng Gò Cỏ cho biết: “Từ ngày tham gia làm du lịch trong hợp tác xã, chúng tôi đón khách trong và ngoài nước rất nhiều. Điều mà người dân luôn ý thức thực hiện, là làm sao phải luôn giữ làng sạch đẹp trong mắt du khách". Tham gia mô hình xây dựng “Làng du lịch không rác”, gia đình bà Đào đã được tập huấn và được giám sát việc phân loại rác tại nguồn nhằm xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt hằng ngày, giảm tối thiểu lượng rác không phân hủy được ra môi trường. Bà Đào cũng được cấp các thùng đựng rác để phân loại rác, chế biến phân hữu cơ từ rác thải... Nhờ đó đã giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường.
Mô hình cần được nhân rộng
Theo Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ Nguyễn Thị Diễm Kiều, người dân ở đây vẫn giữ lối sống thân thiện với môi trường. Từ ngày làm du lịch thì người dân trong làng càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn nếp sống xưa. Chính những cách làm hiệu quả, chung tay giữ gìn một môi trường mà làng du lịch Gò Cỏ đã đón hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế. Du khách đến đây đều hài lòng về cung cách phục vụ cũng như mãn nhãn trước thiên nhiên trong lành, cái chân tình của người dân.
Người dân làng Gò Cỏ đan các vật dụng dùng hằng ngày từ sản phẩm thân thiện với môi trường. |
Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, gần 100% người dân trong làng đều tham gia dự án và cam kết phân loại rác tại nguồn; làm phân hữu cơ và kiểm toán rác thải... Từ cách làm hiệu quả của người dân, đến nay mô hình đã lan tỏa ra cộng đồng thôn Long Thạnh 2 và đã có 143/144 hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường. Người dân chung tay dọn sạch rác tại bãi biển, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn du khách đến tham quan không sử dụng đồ nhựa, túi nilon, không vứt rác ở bãi biển và nơi công cộng để giữ gìn cảnh quan chung.
Điểm sáng về môi trường xanh, sạch, đẹp ở làng Gò Cỏ là mô hình đáng để các địa phương đã và đang bắt tay làm du lịch cộng đồng học hỏi. Bởi một khi chưa giải quyết được bài toán về môi trường, thì du lịch chưa thể phát triển đồng bộ.
Bài, ảnh: KN