(Baoquangngai.vn)- Vài năm trở lại đây, người Quảng Ngãi xa quê cũng như du khách trong và ngoài nước luôn có những ấn tượng và kỷ niệm đẹp về vùng đất núi Ấn- sông Trà mỗi khi ghé chân qua đây. Nhưng rồi, đây đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn những “hạt sạn”, khiến du khách không mấy hài lòng...
[links()]
Chuyện bên lề vỉa hè thì có vô số câu chuyện để kể. Nhưng câu chuyện tôi kể ra đây dù rất nhỏ, nhưng cũng đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm, vì nó thể hiện văn hóa ứng xử của người dân TP.Quảng Ngãi.
Chuyện là thế này, mới đây, có một đoàn khách ở ngoài tỉnh đến Quảng Ngãi tham quan du lịch. Tôi đưa đoàn đến ăn sáng tại một quán ăn bên đường Phan Đình Phùng. Khi xe ô tô của đoàn vừa dừng bên vỉa hè trước một ngôi nhà để những người trên xe qua đường vào quán ăn sáng (do UBND tỉnh quy định một số tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi cấm dừng, đỗ xe theo ngày chẳn, lẻ- PV) thì một người phụ nữ đứng tuổi tỏ vẻ khó chịu, bước từ trong nhà ra nói: “Sáng ra chưa bán được gì, mà giờ chú đỗ xe thế này thì thử hỏi buôn bán cách sao?”.
Chiều lòng người phụ nữ kia, anh tài xế điều khiển xe chạy thêm một đoạn về phía trước rồi dừng. Lúc này, một chị bán bánh mỳ bên vỉa hè bước đến gõ cửa xe rồi nói với giọng tha thiết: “Chú thông cảm, cái xe bánh mỳ này là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Sáng giờ chưa bán được ổ nào, mà giờ chú đỗ xe chặn ở phía trước thì chắc khỏi bán luôn”.
Lúc này, vì phía trước không còn chỗ đỗ xe, nên anh tài xế bước xuống vừa xin để nhờ xe, vừa giải bày: “Chị cho để nhờ một chút thôi! Với lại, đây là quy định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, chứ em nào muốn!”.
Nghe vậy, chị bán bánh mỳ lên giọng: “Ai quy định thì chú đến người đó mà xin! Còn đây là chỗ tôi buôn bán kiếm sống từ lâu rồi, nên chú không được đỗ xe”. Đến đây, câu chuyện trở nên căng thẳng, nhưng vì là người ngoài tỉnh, nên anh tài xế này đành nén cơn tức giận vào trong lòng, điều khiển xe đến vị trí khác để đỗ.
Câu chuyện ấy, thoạt nghe thì chẳng có gì lớn cả, nhưng chắc chắn sẽ để lại rất nhiều điều không vui cho đoàn du khách này. Và như lẽ thường tình, những du khách này sẽ không giữ cho riêng mình những điều không vui đó, mà sẽ kể cho nhiều người khác về một chuyến đi ở Quảng Ngãi với những điều không mấy ấn tượng đó.
Quảng Ngãi đang khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đồng thời xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thì không nên để những câu chuyện nhỏ bên lề vỉa hè kia trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, vì nó biểu thị cho nếp sống văn minh đô thị của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh.
Du lịch Quảng Ngãi chỉ có thể phát triển khi mỗi người dân thật sự thân thiện, mến khách; đồng thời, mỗi người dân phải là một hướng dẫn viên du lịch có nghề, nhất là người dân ở TP.Quảng Ngãi, những người sinh sống xung quanh những điểm tham quan, du lịch của tỉnh. Có như vậy mới làm cho du khách hài lòng và quý mến con người, quê hương Quảng Ngãi.
Mà một khi du khách đã có ấn tượng đẹp về con người, quê hương Quảng Ngãi thì chắc chắn họ sẽ quay trở lại. Và chính họ là những sứ giả, là những người tiếp thị, quảng bá một cách hiệu quả nhất về những danh lam thắng cảnh; di tích lịch sử, văn hóa của Quảng Ngãi đến với du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời, mỗi một người dân Quảng Ngãi đừng vì những lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân mà để lại những ấn tượng không đẹp trong lòng du khách. Làm được những điều đó thì mới thúc đẩy ngành du lịch Quảng Ngãi phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ngãi giàu mạnh, nhân ái, nghĩa tình.
ĐỨC NGUYỄN