Bất an bên bờ biển sạt lở

04:11, 13/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Cứ mỗi mùa mưa bão đến, người dân ở khu vực thôn An Vĩnh lại nơm nớp nỗi lo sạt lở ở bờ biển, thuộc khu vực cửa biển Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Đất núi lở xuống, sóng biển xâm thực, ngoạm sâu vào đất liền đã khiến cho ngọn núi An Vĩnh vốn kiên cường trở nên mong manh trước thời tiết khắc nghiệt. 
[links()]
Dẫn chúng tôi ra mé cửa biển Tịnh Kỳ, nơi nằm sát khu vực cửa biển Sa Kỳ là ông Phạm Ngọc Thanh, trưởng thôn An Vĩnh. Ông bộc bạch, người dân ở đây vốn đã quen ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Thế nhưng, trong những tháng cuối năm nay, khi thời tiết ngày càng cực đoan, gió bão ầm ầm kéo đến, sóng biển cùng với bão tố tiến thẳng vào bờ, người dân ở An Vĩnh thực sự nhỏ bé và mỏng manh.
 
Như lời ông, dưới biển tiếng sóng vỗ ồ ạt. Trên bờ gió rít liên hồi từ những rừng cây trên ngọn núi An Vĩnh (một trong hai ngọn núi thuộc danh lam Thạch Ky Điếu Tẩu, được bảo vệ bởi những khối đá đen vững chãi được hình thành từ dung nham núi lửa hàng triệu năm trước). Mưa phủ trắng khắp nơi. Thế nhưng điều đó không đáng sợ bằng hiện trường sạt lở, nước biển xâm thực trong những trận mưa bão năm nay, nhất là từ cơn bão số 9.
 
Rác thải bao vây tứ phía. Ngọn núi An Vĩnh nằm ven biển bị sóng biển xâm thực, ngoạm sâu vào bên trong, sát với khu vực người dân sinh sống. Trên núi đã dần xuất hiện những vết nứt. Cây cối đổ ngã xuống bờ biển. Mỗi bước chân người đi đều sợ hãi, run rẩy.
 
Khu vực núi An Vĩnh có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 9.
Khu vực núi An Vĩnh có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 9. 
 
Ông Đặng Hấn, 73 tuổi cho biết, hàng chục năm sống ở chân núi, lại sát mép biển, gia đình luôn cứ phải sống trong nỗi phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến. Mấy nay, chưa đêm nào ông yên giấc ngủ.
 
"Đêm đến chỉ cần nghe một tiếng động là cả nhà đều không ngủ để lo chạy cho kịp thoát thân. Mỗi mùa mưa bão đến, nước biển đều ăn sâu vài mét. Với tình hình này, nhà tôi đây chỉ cần 5 năm nữa là "bị xóa sổ" thôi. Đồ đạc, tài sản, chẳng biết khi nào trôi dạt ra biển", ông Hấn bộc bạch.
 

Nhiều khu vực kè do người dân xây dựng, gia cố nên...

 

Nhiều khu vực kè do người dân xây dựng, gia cố nên, cơn bão số 9 đã đánh bật.
... đã bị đánh bật do mưa bão và tình trạng xâm thực sóng biển ngày càng nghiêm trọng.
 
Biển lấn hẳn vào đất liền chứ không phải là tình trạng nước biển dâng một thời gian rồi rút. Xen lời ông Hấn, chỉ tay về phía ngoài biển, nơi cách bờ hơn 10m, ông Phạm Thanh Thọ cho biết, nơi ấy trước đây còn là rừng trồng bạt ngàn do những người thân trồng để bảo vệ bờ, xóm làng bên trong. Còn bây giờ nhìn ra là biển nước mênh mông.
 
Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình trạng biển lấn vào đất liền ở khu vực này ngày càng phức tạp. Theo chỉ dẫn của cư dân địa phương, chạy dài hơn 1km ven biển từ trạm kiểm soát biên phòng đến khu vực đồi núi An Vĩnh có nhiều điểm sạt lở, nước biển xâm thực mạnh, công trình đê kè bị tàn phá nặng sau bão. Không chỉ mất đất, mất công trình, sinh kế của người dân ở các khu dân cư bị uy hiếp.
 
"Mùa mưa bão nào biển cũng lấn 3m. Còn như cơn bão số 9 vừa qua xâm thực tới tận 5-7m, cộng với lượng đất đá trên núi sạt xuống rất nguy hiểm. Bão số 9 còn làm hỏng hoàn toàn cả đoạn kè do người dân ở đây tự xây dựng, gia cố hằng năm", ông Thanh nói.
 
Hàng trăm hộ dân ở thôn An Vĩnh nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa bão đến.
Hàng trăm hộ dân ở thôn An Vĩnh nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa bão đến.
 
Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến, sạt lở ở khu vực bờ biển đi qua thôn An Vĩnh vào mỗi mùa mưa luôn là nỗi lo lắng chính quyền của người dân địa phương. Có đến gần 300 hộ dân bị ảnh hưởng, thấp thỏm không yên, nhất là người dân sống ở núi An Vĩnh. Đến nay khu vực này vẫn chưa có kế hoạch xây dựng đê, kè chắn sóng biển, chống sạt lở. Về lâu dài, chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền xem xét, hỗ trợ và đầu tư vốn để vơi bớt nỗi lo lắng cho người dân.
 
G.Nghi
 

.