(Báo Quảng Ngãi)- Để công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) ngày càng đi vào nền nếp, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, để những tài xế khi tham gia giao thông có kiến thức và ý thức tốt hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khó nhưng phải làm
Một trong những yêu cầu mới của Bộ GTVT trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX là yêu cầu các đơn vị đào tạo về ứng dụng công nghệ trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX phải lắp camera giám sát thi lý thuyết, thực hành và lắp thiết bị nhận dạng học viên học thực hành.
Hệ thống sân tập, sát hạch tại Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe tỉnh được đầu tư đồng bộ. |
Ngay sau khi có quy định trên, nhiều trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh tỏ ra bối rối, bởi để đảm bảo các quy định mới, các trung tâm phải đầu tư cơ sở vật chất với số tiền rất lớn. Trong đó, ngoài hệ thống camera lắp trên sân sát hạch, còn phải đầu tư camera giám sát thực hành và lắp thiết bị giám sát hành trình trên mỗi chiếc xe.
Dù có những khó khăn nhất định, song hầu hết các đơn vị đào tạo đều “vượt khó” để đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. Các đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ từ phương tiện dạy lái đến phòng học, sân tập, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Hầu hết các cơ sở đào tạo đã trang bị hệ thống máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy, trang bị đủ máy vi tính cho học viên học Luật Giao thông đường bộ và sử dụng phần mềm của Tổng Cục đường bộ, để thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ nghề và sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ theo đúng tiêu chuẩn... Bên cạnh đó, một số trung tâm còn trang bị xe ô tô hạng B số tự động để giảng dạy theo đúng quy định của Bộ GTVT.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe tỉnh Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: Để đáp ứng yêu cầu trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, đơn vị đã đầu tư toàn bộ thiết bị để giám sát. Đối với sân sát hạch lái xe, phải công khai trực tiếp trên màn hình lắp đặt tại phòng chờ sát hạch và lưu trữ ở trung tâm sát hạch theo quy định. Hệ thống các thiết bị nói trên đều đảm bảo tính bảo mật, ngăn chặn các truy cập trái phép từ bên ngoài.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Thực hiện quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, thời gian qua, Sở GTVT đã xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, sát hạch cụ thể để các cơ sở đào tạo chủ động trong việc tuyển sinh; chỉ đạo các phòng chuyên môn giám sát, kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe mô tô, ô tô, nhằm đảm bảo việc học và thi thật đối với từng khóa học, hạn chế tối đa tiêu cực và gian lận trong đào tạo, sát hạch lái xe. Cùng với đó, Sở đã yêu cầu các cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh, tiếp nhận các học viên đảm bảo các quy định; bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy lái xe...
Theo Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, ô tô các loại, 1 trung tâm sát hạch lái xe loại 2 và 2 trung tâm sát hạch lái xe loại 3. Trong đó, có 36 giáo viên dạy lý thuyết và 191 giáo viên dạy thực hành. Đối với đầu phương tiện dạy thực hành có 189 xe các loại, từ xe hạng B đến Fc. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đào tạo và tổ chức sát hạch cấp GPLX cho hơn 3.100 cá nhân từ hạng B2 trở lên.
Trưởng Phòng Vận tải, pháp chế và an toàn (Sở GTVT) Nguyễn Hữu Đoan cho biết: Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đặc biệt là việc bổ sung các quy định mới vào đào tạo đã giúp cơ quan Nhà nước quản lý được thời gian học lý thuyết, cũng như thực hành của các cơ sở đào tạo. Qua đó, hạn chế tối đa tình trạng cắt xén chương trình, ngăn chặn tiêu cực, giúp người điều khiển phương tiện giao thông nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
“Việc siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yêu cầu cấp thiết để trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, ngăn ngừa những vụ tai nạn ngoài mong muốn, hướng đến mục tiêu kiềm chế và giảm thiểu tình trạng chết người do TNGT ở mức thấp nhất”, ông Đoan nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC