Lý Sơn: Thu gom rác thải, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản

10:09, 22/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở huyện Lý Sơn đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường, do người dân không thu gom và xử lý chất thải sau khi cho cá ăn. Do đó, việc thu gom, xử lý rác thải ngay tại vùng nuôi đang được một số hộ nuôi trồng thực hiện, góp phần cải thiện môi trường, bảo đảm sinh kế lâu dài cho ngư dân.
Sau nhiều đợt cá chết và nhiễm bệnh, một số hộ nuôi trồng thấy được tác hại của việc xả thải rác trực tiếp xuống biển, nên đã từng bước thay đổi nhận thức và cùng đứng ra chung sức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng. 
 
Môi trường vùng nuôi trồng thủy sản ở huyện Lý Sơn cần được bảo vệ.
Môi trường vùng nuôi trồng thủy sản ở huyện Lý Sơn cần được bảo vệ.
 
Anh Võ Văn Sỹ, nuôi cá lồng bè trên vùng biển Lý Sơn, là người tiên phong thu gom, xử lý rác thải. Sau mỗi buổi cho cá ăn, anh Sỹ đều thu gom rác thải tại lồng nuôi của mình rồi mang lên bờ bỏ vào thùng rác. Việc làm này đã trở thành thói quen hằng ngày của anh. “Lúc trước, tôi cho cá ăn xong rồi quăng luôn các túi ni lông xuống biển, bây giờ không làm thế nữa. Mỗi lần cho cá ăn sẽ phát sinh hơn 10 túi ni lông và thức ăn thừa, tôi thu gom vào một bao tải, khi vào bờ thì mang theo bỏ vào thùng rác. Bây giờ, bè nuôi của tôi lúc nào cũng sạch”, anh Sỹ bày tỏ.
 
Ngoài việc thu gom túi ni lông trên biển, một số hộ nuôi trồng còn điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp hằng ngày cho cá, tránh tình trạng thừa thức ăn thải ra môi trường. Anh Bùi Anh Hùng, người nuôi trồng thủy sản cho hay: Trung bình mỗi ngày, tôi cho cá ăn từ 2 - 3 tạ thức ăn, phải sử dụng khoảng 4kg túi ni lông, nếu không thu gom rác thải thì sẽ ô nhiễm và gây bệnh cho cá.
 
Việc thu gom, xử lý rác thải tại vùng nuôi đã cải thiện môi trường rõ rệt. Tuy nhiên, mới chỉ được một số hộ gia đình thực hiện, còn phần lớn vẫn thản nhiên bỏ túi ni lông không đúng nơi quy định.
 
Huyện Lý Sơn hiện có 45 bè nuôi trông thủy sản trên diện tích hơn 11ha. Mỗi ngày, vùng nuôi trồng thủy sản tiêu thụ từ 9 - 14 tấn thức ăn, cùng với đó là khoảng 135 - 180kg túi ni lông đựng thức ăn cho cá thải ra môi trường. Lượng rác thải từ những lồng bè rất lớn, nếu không được thu gom, xử lý mà xả thẳng xuống biển sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, ô nhiễm nguồn nước mặt.
 
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Lý Sơn Phạm Văn Thọ, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên có một số hộ đã thực hiện tốt việc thu gom rác thải tại vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là túi ni lông. “Phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng mời các hộ nuôi trồng làm việc và ký cam kết không xả thải xuống biển; đồng thời tăng cường kiểm tra việc xả thải đối với các bè nuôi trồng thủy sản, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định. Khi đó mới có thể có được vùng nuôi trồng thủy sản bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người nuôi trồng thủy sản ở huyện đảo Lý Sơn”, ông Thọ cho biết.
 
Bài, ảnh: HỮU DANH
 
 
 

.