(Báo Quảng Ngãi)- Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị bước vào mùa mưa, thì người dân ở những vùng có khả năng ngập lụt như Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Bình Sơn lại thấp thỏm âu lo. Vì vậy, bằng kinh nghiệm sống chung với lũ, người dân nơi đây đã "lên phương án" ứng phó và sửa chữa các trang thiết bị phòng, chống lũ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đề phòng lũ từ... mùa nắng
Tranh thủ những ngày nắng ráo, lão nông Nguyễn Tấn Lê, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) mang chiếc ghe cũ ra sửa chữa. Là người lái đò những năm trước, nên ông hiểu hơn ai hết về mức độ nguy hiểm mỗi khi mưa lũ về. Ông Lê cho hay: “Cái ghe này giờ không sử dụng để đưa khách sang sông nữa, nay tôi dùng để trang bị cho gia đình và hàng xóm mỗi khi lũ về. Tôi có hai chiếc, tới mùa mưa, bà con ai cần thì tôi cho mượn, giúp đỡ mọi người tránh lũ là việc làm mà ai ở đây cũng đặt lên hàng đầu”.
Lão nông Nguyễn Tấn Lê, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) sửa lại chiếc ghe cũ để dùng trong mùa mưa, lũ sắp đến. |
Không những sửa lại ghe, đò, ông Lê còn nhắc nhở vợ, con đưa dần những vật dụng không cần thiết lên gác lửng và sửa lại chuồng trại gia súc, gia cầm cho kiên cố. Nhà ở gần mé sông, nên ông Lê cũng tranh thủ gia cố thêm những đoạn vườn bằng nẹp tre, trụ bê tông để chống sạt lở.
Là người dân sống ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) và phải làm việc tận TP.Quảng Ngãi, nên chị Nguyễn Thị Thanh Thúy hiểu rõ nỗi khổ của người dân quê mình mỗi khi mùa lũ về. Hằng năm, cứ đến cận kề mùa lũ, chiếc cầu tre duy nhất vào thôn bị tháo dỡ, khiến hơn 150 hộ dân ở đây phải “lụy đò".
Có những hôm mưa to, gió lớn, chị Thúy phải thuê nhà ở bên này sông, để tiện bề đưa con đi học và đi làm. Chị Thúy cho biết: “Năm nào cũng vậy, lo nhất vẫn là mùa mưa lũ về. Có những lúc lũ lớn, cả làng bị cô lập phải nhờ đến sự tiếp tế của mọi người. Dân ở đây chỉ mong cây cầu sớm được xây dựng, để không còn nỗi lo trong mùa mưa lũ nữa”.
Đề cao cảnh giác
Ở những vùng “rốn lũ", người dân luôn phải sẵn sàng đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm. Hằng năm, họ cùng với chính quyền địa phương cố gắng vượt qua từng cơn bão, lũ để bảo vệ gia đình và tài sản. Vì vậy, ai cũng lên phương án để phòng, chống bão, lũ mỗi khi nó ập đến. Trong đó, nhiều người đã xây dựng nhà cao, nhà chống lũ cho an toàn.
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho hay: “Ngay từ đầu tháng 8 này, địa phương đã lên kế hoạch để phòng, chống mưa, lũ. Năm nay, xã có 7 nhà chống lũ mới được xây dựng đúng chuẩn. Hiện tại, địa phương cũng đã trang bị ghe và hơn 100 phao, áo phao để phục vụ công tác chống lũ ở xã và các thôn. Chính quyền cũng vận động, tuyên truyền người dân chủ động, không được chủ quan để không thiệt hại về người và tài sản”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, huyện Nghĩa Hành là một trong những "rốn lũ" lớn nhất của tỉnh. Do đó, mùa mưa về, lãnh đạo các cấp thường xuyên túc trực ở những vùng xung yếu để cùng nhân dân chống lũ. Tuy nhiên, việc tuyên truyền để người dân không lo lắng và chủ động hơn là điều cần thiết. Hầu như tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều được trang bị ghe, thuyền, áo phao và các vật dụng cần thiết để phòng, chống bão, lũ.
Bài, ảnh: HOÀI BIỆT