(Báo Quảng Ngãi)- Thông qua việc chia sẻ với những hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống mà tình cảm giữa các hộ gia đình ngày càng gắn kết bền chặt. Cũng từ đây, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ở các làng quê nông thôn, miền núi được gìn giữ và phát huy; những tập quán lạc hậu được xóa bỏ, góp phần lan tỏa nếp sống văn hóa mới.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Nghi kỵ “đồ độc” là một tập tục lạc hậu, ăn sâu trong suy nghĩ của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh, làm phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, nên cần phải loại trừ. Những năm trước, một số xã ở huyện Ba Tơ và Sơn Hà luôn là điểm nóng về nạn nghị kỵ “đồ độc”, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Do vậy, các địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu “đồ độc” là không có thật.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên trong những năm qua, xã Ba Nam (Ba Tơ) không xảy ra nghi kỵ “đồ độc” trong cộng đồng dân cư. Ảnh: B.HÒA |
Xã Ba Nam (Ba Tơ) là địa phương làm tốt công tác này. Bí thư Đảng ủy xã Ba Nam Phạm Văn Tương chia sẻ: Toàn xã có 97 đảng viên, trong đó có 76 đảng viên là đồng bào Hrê, nên Ban Thường vụ Đảng ủy xã phát huy lợi thế này để đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng. Đồng thời, chuyển thể các nội dung tuyên truyền qua tiếng Hrê và giao cho đảng viên phụ trách địa bàn phối hợp với các đoàn thể, Ban công tác Mặt trận để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu.
Cách làm trên đã được Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ba Nam duy trì thực hiện trong nhiều năm qua, mang lại hiệu quả thiết thực. Tại một buổi sinh hoạt khu dân cư mới đây, tại thôn Xà Râu mà chúng tôi được tham dự, ngoài tuyên truyền kết quả bầu cử đại hội chi, đảng bộ các cấp trên địa bàn huyện; một số chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đảng viên phụ trách địa bàn còn tuyên truyền việc nghi kỵ “đồ độc” là tập tục lạc hậu, không có thật trong đời sống. Trực tiếp dự buổi sinh hoạt, ông Phạm Văn Lúa (1972) cho biết: Tôi luôn nói với người dân trong khu dân cư, “đồ độc” là thứ không có thật; chỉ là việc mê tín do các thầy cúng “bịa ra” để lừa gạt lấy tiền một số người dân thiếu hiểu biết. Nhưng cũng có trường hợp thường hay uống rượu say xỉn, dẫn đến mâu thuẫn, rồi nói có “đồ độc” để hăm dọa người khác mà thôi.
Đảng viên Phạm Văn Hấp (1960) cho biết thêm: Trong các cuộc họp dân, sinh hoạt chi bộ, chúng tôi tuyên truyền cho người dân, đảng viên không được gây mất đoàn kết và hăm dọa có “đồ độc”. Khi trong gia đình có người thân đau ốm thì đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị; không nên mời thầy lang về cúng... Với cách làm đó, xã Ba Nam không còn xảy ra tình trạng nghi kỵ “đồ độc”.
Trên địa bàn huyện Sơn Hà và Sơn Tây, cấp ủy, chính quyền đã phát huy vai trò của người uy tín trong việc vận động người dân bài trừ các tập tục lạc hậu, nhất là tình trạng nghi kỵ “đồ độc”. Tiêu biểu là bà Đinh Thị Sơn, ở xã Sơn Thành (Sơn Hà). Từ nhiều năm nay, bà Sơn luôn miệt mài đến từng nhà dân để tuyên truyền, giải thích, vận động người dân bài trừ các tập tục lạc hậu. Việc làm của bà Sơn, cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân đã góp phần đưa xã Sơn Thành về đích nông thôn mới (NTM) đúng kế hoạch.
“Chồng tôi qua đời trong một vụ tai nạn giao thông (tháng 4.2020), khi mới 40 tuổi. Từ đó, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vì tôi phải thường xuyên chạy thận. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Đức Phổ mà gia đình tôi đã vơi đi phần nào những khó khăn, mất mát...”.
Chị
CAO THỊ THANH THẢO,
ở tổ dân phố 3, phường Phổ Minh, thị xã Đức Phổ
|
Xây dựng nếp sống văn hóa mới
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng giờ đây về các làng quê nông thôn, miền núi, ven biển và hải đảo trong tỉnh, ai cũng cảm nhận được những đổi thay. Các tuyến đường liên thôn, liên xã, kênh mương nội đồng... phần lớn đều được bê tông kiên cố; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể; các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy; dân trí ngày càng được nâng lên...
Theo Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn) Đoàn Thanh Sơn, đó là thành quả của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động. “Thôn Mỹ Huệ 1 được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người dân địa phương.
Khi triển khai, chúng tôi khảo sát thì chỉ đạt 27/51 tiêu chí của khu dân cư NTM kiểu mẫu, nhưng nhờ sự nêu gương của cán bộ, đảng viên và sự đồng lòng của người dân nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực”, ông Sơn cho hay.
Mục tiêu của xây dựng NTM là từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ở nông thôn, tiến tới không còn hộ đói, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Vì thế, địa phương nào xác định đúng mục tiêu, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện thì được người dân ủng hộ và về đích đúng hẹn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Đỗ Thị Lại, ở thôn Mỹ Huệ 1 phấn khởi bộc bạch: “Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu là người dân, nên chúng tôi không tính toán thiệt hơn mỗi khi chính quyền vận động hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng các công trình”.
Diện mạo khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn). Ảnh: TR.ÂN |
Trong xây dựng NTM, các tiêu chí về môi trường và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn là những tiêu chí khó. Nhận thấy điều này, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trung (Bình Sơn) Võ Hùng Trí đã vận động 47 hộ chăn nuôi dời chuồng trại ra phía sau nhà và 45 hộ che chắn chuồng trại hợp vệ sinh, gắn với xây dựng mô hình “Vườn sạch, ngõ đẹp, nhà ngăn nắp” trong hội viên nông dân. Đến nay, mô hình này đã lan tỏa ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều mô hình xử lý rác thải sinh hoạt được ra đời, góp phần làm trong sạch môi trường sống, như mô hình xử lý ô nhiễm môi trường của UBND xã Bình Châu; vì môi trường biển xanh, sạch, đẹp của Ban CHQS huyện Bình Sơn; mô hình “5 không, 3 sạch” ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa)...
Để vận động người dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, công an các địa phương trong tỉnh cũng triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả, như: Mô hình chung tay giúp đỡ người lầm lỡ ổn định cuộc sống (Công an huyện Ba Tơ); Tiếp sức hoàn lương (Công an huyện Nghĩa Hành); 3 cùng của Công an thị xã Đức Phổ... Thượng úy Lê Văn Thành (Công an thị xã Đức Phổ) cho biết: “Ba cùng” là mô hình tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Đức Phổ. Đó là, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với các gia đình có người thân bị tai nạn giao thông; cùng chung tay xoa dịu nỗi đau chất độc da cam và cùng chung tay tiếp bước đến trường.
Với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực chăm lo cuộc sống cho người dân. Qua đó, góp phần xây dựng và nhân rộng nếp sống văn hóa mới; xây dựng làng quê ngày càng gắn kết và lan tỏa những nghĩa cử nhân ái trong cộng đồng...
Duy trì tuyên truyền để người dân hiểu
Bí thư Đảng ủy xã Ba Nam (Ba Tơ) Phạm Văn Tương cho biết: Nhờ duy trì việc tuyên truyền nên địa phương không còn xảy ra nghi kỵ “đồ độc” trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, một số xã trên địa bàn huyện vẫn còn tệ nạn này. Mới đây, Huyện ủy thông tin, tại thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, do nghi kỵ "đồ độc" mà Phạm Văn Soi đã rủ Phạm Văn Cua và Phạm Văn Nghề đánh ông L dẫn đến tử vong. Qua vụ việc trên, tôi cho rằng, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể các cấp ở miền núi cần duy trì việc tuyên truyền để người dân hiểu. Có như vậy mới không có chuyện đau buồn như thế này xảy ra.
|
T.PHƯƠNG - K.NGÂN - B.HÒA - T.ÂN