Hồ bơi mini ở làng quê hút khách

03:07, 28/07/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Các vùng nông thôn ngày nay còn thiếu nhiều điều kiện để các em có thể học những kĩ năng chống đuối nước. Vì thế những hồ bơi mini lắp ghép di động, được các cá nhân đầu tư trong những tháng cận hè ở vùng nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều em nhỏ được tiếp cận học bơi. 
 
Chống đuối nước ở làng quê
 
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng chục hồ bơi. Tuy nhiên, các hồ bơi này lại ở những khu vực trung tâm, có khoảng cách rất xa với nhiều vùng nông thôn, khiến cho nhiều em nhỏ ở các vùng quê hiếm có cơ hội học kĩ năng bơi lội. 
 
Thấy được khó khăn đó, anh Đồng Ngọc Quang, ngụ ở xóm 2, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã đầu tư mở hẳn một hồ bơi mini lắp ráp.
 
Hồ bơi có kết cấu đơn giản ghép nối chỉ bằng các thanh sắt và bao bạc lót, với chiều dài 17m, chiều ngang 7,5m, độ sâu hơn 1m. Chi phí từ khung hồ bơi đến các phụ kiện khác sử dụng cho việc cấp, xả nước là 150 triệu đồng, chưa kể tiền phí thuê đất mỗi năm và cả chi phí điện nước.
 
Bà Quỳnh Thị Kim Chi dặn dò cháu mình trước khi vui chơi ở hồ bơi.
Bà Quỳnh Thị Kim Chi dặn dò cháu mình trước khi vui chơi ở hồ bơi.
 
5 năm nay, hồ bơi này thu hút các vị khách nhí đến vui chơi, học bơi mỗi ngày. Số lượng em nhỏ đến hồ bơi trung bình từ 40- 50 em mỗi ngày. Vào những ngày cuối tuần có thể lên đến 140 em. Chỉ 10.000 đồng/1 lượt, các em bơi thỏa sức đến khi nào mệt thì về. 
 
Có thể thấy số lượng trẻ em có nhu cầu tiếp xúc với hồ bơi là rất lớn. Với gần ấy thời gian, nhưng anh Quang vẫn vui vẻ và duy trì mô hình bể bơi mini này cho các em vào mỗi dịp hè, dù lợi nhuận không là bao.
 
Anh Quang chia sẻ: “Tôi chủ yếu làm nông, chứ bể bơi thì chỉ hoạt động vài tháng hè, không phải là nguồn thu nhập chính. Ở quê mình sông nước cũng nhiều nên nghĩ cho mấy đứa nhỏ ở quê có chỗ vui chơi trong mấy tháng hè, đỡ ra sông suối nguy hiểm, chứ tiền thuê mặt bằng, chi phí cũng cao lắm”.
 
Từ khi hồ bơi ở đây được hình thành, rất nhiều phụ huynh có con em trong vùng đồng tình, hưởng ứng. Bởi ở quê, kiếm được một nơi cho con trẻ bơi lội an toàn, có người quản lý không phải là dễ.
 
Bà Quỳnh Thị Kim Chi, thôn Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa đang nhìn cháu chơi đùa, cho biết: “Từ lúc cháu mình bước vào tiểu học là dẫn đến đây học bơi hơn 3 năm nay. Cứ đến hè là dẫn cháu đến hồ bơi của anh Quang để cho cháu chơi, làm quen với kĩ năng bơi lội. Chứ chở lên thành phố học bơi, tập bơi thì xa quá mà chi phí lại cao. Mặc khác, mình làm nông, suốt ngày quần quật miết ngoài ruộng, nào có thời gian dẫn cháu đi”. 
 
Vừa dạy bơi, vừa giáo dục
 
Những ngày này, hồ bơi mới mở nằm trong Vườn sinh thái An Bình, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa), cách trung tâm TP.Quảng Ngãi chừng 10km cũng thu hút đông đảo các “kình ngư” nhí đến học bơi, vui chơi, sau một thời gian học tập căng thẳng trong năm học vừa qua. Đây là ý tưởng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh, người ở địa phương. 
 
Lớp học bơi tại hồ bơi của Vườn sinh thái An Bình mỗi buổi sáng thu hút rất đông con em ở địa phương.
Lớp học bơi tại hồ bơi của Vườn sinh thái An Bình mỗi buổi sáng thu hút rất đông con em ở địa phương.
Là người đi nhiều, biết nhiều, từng chứng kiến không ít vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh, anh đã ấp ủ ý tưởng để xây dựng một hồ bơi giữa khu vườn của gia đình và sẵn lòng bỏ kinh phí mời giáo viên dạy bơi đến dạy cho các em. Hồ bơi được đầu tư chỉn chu về trang thiết bị, đặt tính an toàn là trên hết cho trẻ em vùng quê. Buổi sáng thường dạy bơi, đến chiều cho các em vui chơi, tắm mát ngày hè.
 
“Xét về mặt kinh doanh thì hồ bơi ở vùng nông thôn thì khó đạt hiệu quả kinh tế nhưng trên hết là nguyện vọng chống đuối nước cho trẻ em vùng ven sông quê mình, tạo ra phong trào học bơi, rèn luyện kỹ năng sống cho con em nông thôn”, anh Minh chia sẻ. 
 
Đặc biệt, hồ bơi mini nhà anh Minh nằm trong khu vườn sinh thái An Bình, là nơi tích hợp nhiều mô hình mang tính giáo dục cho trẻ em. Mỗi một mô hình xung quanh bể bơi An Bình là một bài học giáo dục thú vị, mang tính nhân văn, khơi dậy nhận thức ở các em.
 
Những hồ bơi mini ở làng quê rất bổ ích đối với các em, hạn chế tình trạng tắm sông, suối.
Những hồ bơi mini ở làng quê rất bổ ích đối với các em, hạn chế tình trạng tắm sông, suối.
 
Chị Võ Thị Kiều Diễm, ở xã Nghĩa Trung huyện Tư Nghĩa, một phụ huynh vẫn thường hay chở con đến học bơi, chia sẻ: “Thật tốt biết bao khi không chỉ là nơi học bơi, mà các em còn học thêm nhiều điều mới mẻ, được tìm hiểu nhiều câu chuyện hay. Các em được sống chan hòa trong không gian của làng quê, hòa mình với thiên nhiên, trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống”.
 
Các hồ bơi mini có thể xem đó là một giải pháp hay trong những tháng hè nóng bức. Những mô hình này cần được các cấp xã, địa phương lưu tâm đẩy mạnh, tạo điều kiện phát triển với quy mô đảm bảo. Từ đó, giúp các em có môi trường vui chơi thú vị trong những ngày oi bức, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các em học những kĩ năng cần thiết chống đuối nước, vơi bớt nỗi lo cho những bậc phụ huynh bận rộn nơi đồng án mỗi khi hè về. 
 
Bài, ảnh: Dương Thành
 

.