(Baoquangngai.vn)-
Sau nhiều năm loay hoay với bài toán xử lý rác thải, các hộ dân ở thôn An Kim, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) đã nghĩ ra cách làm những chiếc lò đốt rác thải mini tại nhà vô cùng tiện lợi, sạch sẽ, góp phần giúp môi trường không bị ô nhiễm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
An Kim là thôn trung tâm của xã Tịnh Giang. Diện tích đất của hộ gia đình không nhiều bằng các thôn khác. Vì vậy việc thực hiện xử lý rác thải bằng cách gom đốt và chôn, lấp như một số thôn khác rất phiền hà, vừa diện tích đất ít, vừa ô nhiễm môi trường. Nhiều năm liền, xử lý rác sinh hoạt của các gia đình tại đây luôn là vấn đề hóc búa.
Những năm trước, khi chúng tôi có dịp ghé đến thôn này thì dễ dàng bắt gặp những ụ rác dọc đường, gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trở lại vào đầu tháng 5.2020, thôn An Kim đã có sự thay đổi rõ nét với cảnh quang môi trường sạch sẽ. Rác thải sinh hoạt nay đã được bà con nơi đây xử lý gọn gàng ngay tại nhà.
Bà Lê Thị Nếp, ở khu vực Gò Lớn, thôn An Kim vừa chỉ về chiếc lò đốt rác mini được xây cách đây hơn 5 tháng, vừa nói: “Nhờ có nó, mà nhà cửa gọn gàng, rác thải hằng ngày đều cho hết vào lò xử lý rất sạch sẽ”. Khi chưa xây lò, hàng ngày bà phải xử lý rác từ lá cây xung quanh nhà và các loại rác thải khác bằng cách gom lại rồi đốt. Nhưng vừa vất vả, vừa bụi bẩn do gió thổi tung rác trong quá trình quét, đốt, nhất là vào mùa mưa thì rác ùn đống lại không đốt được.
Bà Lê Thị Nếp thấy được hiệu quả rõ rệt từ ngày xây lò đốt rác mini. Vườn tược, nhà cửa của gia đình đã gọn sạch hơn hẳn |
Cũng giống như bà Lê Thị Nếp, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ở Gò Lớn, thôn An Kim vui vẻ cho biết: Từ ngày xây chiếc lò xử lý rác thải tại nhà, chị Thủy thấy thoải mái, yên tâm hơn về môi trường xung quanh. Mọi người đều có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường từ nhà ra ngõ, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, không còn hiện tượng rác thải vứt bừa bãi khắp nơi. Có lò xử lý rác thải tại nhà, cứ 2-3 ngày chị Thủy lại thu gom, phân loại các loại rác để đốt, nhờ đó nhà cửa, vườn tược luôn sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống trong lành.
Phần tro sau nhiều lần đốt rác, chị Thủy và nhiều gia đình khác mang đi ủ để làm phân bón nông nghiệp rất hiệu quả để cây cối, rau xanh phát triển. “Tôi thấy vô cùng tiện lợi. Nếu biết hiệu quả thế này thì đã xây sớm từ vài năm trước rồi”- chị Thủy chia sẻ.
Để thực hiện tốt việc xử lý rác thải của hộ gia đình, Hội LHPN xã Tịnh Giang đã có sáng kiến triển khai mô hình xây lò xử lý rác thải tại gia đình. Việc xây dựng lò xử lý rác thải tại nhà khá đơn giản với kích thước chiều rộng 1m, chiều cao 1,5m. Trong đó, khâu quan trọng là phải đổ tấm đanh làm nền thật chắc, để không bị xói mòn và xuống nền khi đốt. Bên trong có lót một vỉ sắt cách nền 0,5m để chứa rác.
Phần trên cùng, các gia đình dùng một tấm bê tông để làm mái cho lò đốt, nhằm đảm bảo việc xử lý rác vào mùa mưa lẫn mùa nắng đều thuận lợi. Kinh phí mỗi lò là 1 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 500 nghìn đồng vật liệu, còn lại gia đình lo công xây lò khoảng 500 nghìn đồng.
Rác thải sinh hoạt cứ 2-3 ngày được các gia đình đốt một lần để giúp môi trường thêm sạch đẹp |
Ban đầu, khi vừa được vận động, chỉ có 11 gia đình là hội viên phụ nữ thôn An Kim đăng ký. Tuy nhiên, để có bấy nhiêu hộ đồng ý tham gia, Hội LHPN xã đã phải rất vất vả đi vận động. Chị Phạm Thị Lan Phương – Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Giang kể lại: Làm lò đốt mini là giúp các gia đình xử lý rác gọn gàng, bảo vệ môi trường. Nhưng lúc đầu không ai chịu vì các hộ vẫn còn giữ suy nghĩ là rác chỉ cần vứt đi thôi, chứ không cần xử lý gì thêm. Chúng tôi đã xuống từng nhà, vận động tổ chức họp trong gần 10 lần để giải thích cho bà con hiểu về lợi ích của lò đốt.
Qua thời gian sử dụng mô hình lò xử lý rác thải tại gia đình đang được bà con trong thôn đã thấy được hiệu quả rõ ràng nên tích cực hưởng ứng thực hiện, mặc dù hiện nay xã không còn chính sách hỗ trợ nữa. Tính đến nay, toàn thôn đã có hơn 30 hộ có lò xử lý rác thải mini tại gia đình.
Bà con đã thực hiện theo quy trình tự phân loại, xử lý bằng cách cho rác vào lò đốt rất đơn giản, sạch sẽ không gây mùi hôi. Sau khi đốt xong bà con tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Lò đốt mini đã giúp cho xã nông thôn mới thêm ngăn nắp, sạch sẽ. Qua đó cho thấy, ở đâu người dân tự ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường thì vấn đề môi trường ở đó sẽ được giải quyết dứt điểm.
Thực hiện mô hình “Lò xử lý rác thải tại nhà” của Hội LHPN xã Tịnh Giang đã góp phần đưa thôn An Kim trở thành khu dân cư kiểu mẫu. Hiện nay, mô hình này đang được Hội LHPN xã tuyên truyền, nhân rộng ở 4 thôn còn lại của xã.
Bài, ảnh: Thu Kim