Thanh Thảo
(Baoquangngai.vn)- Có một sự cuống quýt nào đó khiến người Âu-Mỹ đổ vào các siêu thị vơ vét giấy vệ sinh khi có thông báo dịch coronavirus đã tràn tới vùng mình đang ở. Gần như một sự hoảng loạn rất vô căn cứ. Không lẽ người ta có thể tiêu tốn nhiều đến như vậy giấy vệ sinh trong một ngày?
Tôi lại nhớ, khi các nhà máy sản xuất giấy (trong đó có giấy vệ sinh) hoạt động hết công suất, thì đồng nghĩa với những cánh rừng bị chặt phá hết công suất, và những dòng nước xả thải độc hại cũng chảy hết công suất ra những dòng sông. Khi ở phương tây người ta chưa xài hết giấy vệ sinh, thì ở ngay đất nước tôi, nơi có những nhà máy sản xuất giấy, số lượng người bị ung thư đã tăng lên, bất chấp dịch Covid-19 tăng nhiệt hay hạ nhiệt.
Tôi vừa có một người em xã hội qua đời tại Hà Giang vì ung thư phổi. Em chưa kịp về hưu để nhận sổ hưu trí, thì đã phải ra đi. Trong khi em là một thầy thuốc người dân tộc Tày chuyên hái lá thuốc từ trong rừng núi chữa được rất nhiều bệnh cứu người. Chỉ riêng bệnh ung thư của em, là em đành bó tay.
Và tôi chợt nghĩ, xài quá nhiều giấy vệ sinh có phải là yêu nước, hay thể hiện lòng nhân ái không nhỉ? Bây giờ trên mạng đang lan tỏa một bài viết tương truyền là của tỉ phú Bill Gates. Có nhiều người nói đó là bài viết không phải của Bill Gates, người ta đã viết và lấy tên ông cho có độ lan truyền cao. Tôi đọc, và thấy bài viết rất hay. Nếu là bài viết hay, mà lại có ích, thì ký tên ai không quan trọng. Nếu Bill Gates không viết bài này, thì tôi nghĩ, tư tưởng ông vẫn là như vậy.
Trong bài có một đoạn đề cập tới… giấy vệ sinh. Xin trích:
“Nó (coronavirrus) nhắc nhở về sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất mà chúng ta nên làm, đó là giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt cần giúp những người già hoặc bệnh tật. Mục đích của chúng ta không phải là lo đi vét giấy vệ sinh”.
Một thông điệp quá ngắn gọn và quá hay. Mà người viết, tôi nghĩ, phải tầm như Bill Gates mới viết được, dù trong thực tế có thể không như vậy. Nhưng tôi nhắc lại, ai viết không quan trọng, miễn là hay và có ích.
Nếu trong lúc dịch bệnh này, nhiều nhà máy hay công ty may ở Việt Nam đã làm việc suốt ngày đêm để sản xuất khẩu trang cung cấp cho toàn thế giới, riêng Việt Nam cũng vừa tặng cho Châu Âu nửa triệu khẩu trang “nhà giồng được”, thì so với chuyện sản xuất giấy vệ sinh, tôi thấy sản xuất khẩu trang là rất có ích cho con người. Vì nó giúp phòng ngừa dịch bệnh.
Trong khi đó, thì nếu tôi nhớ không nhầm, mới cách đây chưa lâu, ở Châu Âu và Mỹ người ta còn tẩy chay, thậm chí kỳ thị những người đeo khẩu trang ra đường, nhất là người Châu Á, vì cho rằng cứ ai đeo khẩu trang là người “mắc dịch”, và thậm chí xúm vào đánh đuổi người ta. Hậu quả của chuyện từ chối đeo khẩu trang, bây giờ cả thế giới đều thấy rõ.
Nhưng vơ vét giấy vệ sinh về chất đống trong nhà, thì đáng ngại thật. Chưa kể, nếu trong thời điểm này những nhà máy giấy hoạt động hết công suất để sản xuất giấy vệ sinh, thì độ xả thải ra môi trường sẽ tăng đột biến, và số người không mắc dịch mà mắc ung thư sẽ tăng lên theo. Đó là cái mà toán học gọi là “hiệu ứng… giấy vệ sinh”, đúng như cảnh báo của bài viết (được cho) là của Bill Gates:
“Nó (dịch coronavirus) nhắc nhở rằng Trái đất này đang bị bệnh. Nó nhắc nhở rằng chúng ta cần xem xét mức độ phá rừng cũng đã khẩn cấp như tốc độ biến mất khỏi kệ của các cuộn giấy vệ sinh. Chúng ta mắc dịch vì ngôi nhà lớn của chúng ta đã đổ bệnh”.
Nếu đó là bệnh ung thư, thì thật khủng khiếp./.