Tư Nghĩa phát huy truyền thống anh hùng

09:04, 12/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Tư Nghĩa nằm giáp ranh với tỉnh lỵ Quảng Ngãi, nên bị địch đánh phá nặng nề. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tư Nghĩa đã chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống xây dựng quê hương. Đến nay, địa phương này đã khoác trên mình một diện mạo mới.
Tư Nghĩa hiện đã hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận là huyện nông thôn mới (NTM). Đây là huyện thứ hai của tỉnh về đích huyện NTM, sau huyện Nghĩa Hành.
 
Quá khứ hào hùng 
 
Chúng tôi trở lại xã Nghĩa Lâm trong những ngày tháng 3 lịch sử. Theo các bậc cao niên của xã, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghĩa Lâm là cửa ngõ phía tây để về tỉnh lỵ Quảng Ngãi, nên địch đánh phá dữ dội. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tư Nghĩa, nhân dân trong xã phối hợp với các đơn vị chủ lực của huyện, tỉnh kiên cường chiến đấu.  
Diện mạo nông thôn ở huyện Tư Nghĩa ngày càng khởi sắc.
Diện mạo nông thôn ở huyện Tư Nghĩa ngày càng khởi sắc.
Không riêng gì ở xã Nghĩa Lâm, mà ở khu tây huyện Tư Nghĩa còn có xã Nghĩa Sơn - nơi một thời được chọn làm căn cứ cách mạng. Nơi này đồng bào dân tộc thiểu số một lòng thủy chung, gắn bó keo sơn với cách mạng, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội hoạt động.
 
Còn ở khu đông của huyện, cho đến bây giờ, người dân vẫn còn nhắc đến sự kiên cường, mưu trí của Đại đội 75, Huyện đội Tư Nghĩa, với trận tập kích Đại đội bảo an ở xã Nghĩa Hà vào tháng 6.1973, trận phản kích Tiểu đoàn 70, Biệt động địch vào tháng 2.1975 và Đại đội 65, Huyện đội Tư Nghĩa tập kích Khu hội đồng xã Nghĩa Hiệp vào tháng 12.1969. Đây là 3 trong số 14 trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
 
Đi qua chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân huyện Tư Nghĩa cùng nhiều xã, thị trấn trong huyện được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.
 
Diện mạo nông thôn đổi thay
 
Sau 45 năm giải phóng, huyện Tư Nghĩa đã mang một diện mạo mới. Huyện đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung quy hoạch, xây dựng đô thị thị trấn La Hà và Sông Vệ. 
 
Tư Nghĩa cũng tập trung xây dựng cụm công nghiệp La Hà, với diện tích 21ha, thu hút được nhiều doanh nghiệp, với các ngành nghề như chế biến gỗ, sản xuất bê tông, muối, viên nén sinh học... Đây là một trong những cụm công nghiệp thành công nhất trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động và đóng góp rất lớn cho nguồn thu ngân sách của địa phương.
 
Còn ở thị trấn Sông Vệ, nơi một thời nổi tiếng với thương hiệu gạch ngói Sông Vệ, để bảo vệ môi trường, huyện đã tập trung chuyển đổi nghề nghiệp cho làng nghề. Nhờ đó, nhiều năm qua, thị trấn Sông Vệ và các xã phía Đông của huyện trở thành “thủ phủ” của các loài hoa. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những chậu hoa theo chân thương lái ra các chợ hoa trong và ngoài tỉnh, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân vùng trồng hoa.
 
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành cho biết: Sau 45 năm giải phóng, huyện Tư Nghĩa đã có nhiều đổi thay, nhưng thành quả lớn nhất là huyện đã tập trung các nguồn lực xây dựng NTM. Đây là sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong nhiều năm liền, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn trên địa bàn và cải thiện đời sống của người dân.
 
Thông qua nguồn vốn của trung ương, tỉnh, huyện và nhân dân đóng góp, Tư Nghĩa đã đầu tư xây dựng kiên cố các trục đường liên thôn, xã và đường từ xã đến huyện. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng hệ thống thuỷ lợi đảm bảo tưới, tiêu cho 98% diện tích đất nông nghiệp, tỷ lệ kiên cố đạt 69%. Đến nay, 100% xã, thị trấn có hệ thống điện đạt chuẩn, trường đạt chuẩn; có nhà văn hóa, sân thể thao trung tâm...
 
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện tập trung chỉ đạo sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Tư Nghĩa đã thực hiện chuyển đổi từ sản xuất lúa ba vụ bấp bênh sang sản xuất hai vụ ăn chắc, góp phần đạt năng suất bình quân trên 66 tạ/ha, trở thành địa phương nằm trong tốp đầu về năng suất lúa trong toàn tỉnh.
 
Đặc biệt, huyện Tư Nghĩa đã thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm 13 dự án trồng bưởi, mít, quýt đường trên diện tích 44ha; liên kết trồng và tiêu thụ 32ha dừa xiêm; 313ha lúa giống. Huyện đã hình thành 6 trang trại chăn nuôi heo có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Những nỗ lực trong xây dựng NTM không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện, mà còn góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 39,4 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,43%.
 
Bài, ảnh: T.AN 
 
 
 

.