(Baoquangngai.vn)- Trăn trở trước những mảnh đời bất hạnh, Hội Cựu học sinh Nghĩa Điền đã nghĩ cách để giúp đỡ những số phận ấy. Nghĩ là làm, nhóm người trẻ từng bước xây dựng uy tín và trở thành cầu nối các tấm lòng nhân ái với những số phận kém may mắn, góp phần tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vượt qua nghịch cảnh
Một ngày đầu tháng 4, người dân trong thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) ai nấy cũng vui thay khi chứng kiến cảnh ông Nguyễn Tín 62 tuổi, ngụ Điền Chánh, xã Nghĩa Điền dắt trâu về nhà. Đây là con trâu ông Tín được mua tặng từ số tiền mà nhóm vận động quyên góp được.
|
Những người có mặt tại thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) hôm ấy ai nấy cũng lấy làm vui khi thấy ông Tín dắt con trâu về nhà
|
Vợ chồng ông Tín có được bốn người con. Trong đó, 3 người con đã có gia đình nhưng hoàn cảnh của cả 3 người con đều không mấy khá giả nếu không gọi là khó khăn. Còn lại anh Nguyễn Tính, 28 tuổi vẫn chưa có gia đình là lao động chính trong nhà. Cả gia đình ông Tín chỉ có được 3 sào ruộng cùng con trâu anh Tính mua được bằng số tiền tích góp suốt mấy năm đi làm là tài sản giá trị duy nhất.
Vốn làm nghề thợ nhôm kính, nhưng trong mấy ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Tính không có việc để làm, đành nghỉ ở nhà. Muốn kiếm chút tiền để trang trải cuộc sống, anh Tính trèo cây vú sữa hái trái để bán. Tai họa ập đến khi anh Tính không may bị té và được Bệnh viện Quảng Ngãi chẩn đoán gãy, vỡ cột sống chèn ép tủy, đứt 1 phần tủy, cần chuyển viện ra Đà Nẵng mổ gấp với khả năng bị liệt 50%.
Chi phí ca mổ của anh Tính hết 50 triệu đồng. Đây là con số quá lớn đối với gia đình ông Tín. Thương con, cả nhà ông chạy vạy khắp nơi vay mượn, xin xỏ cũng chỉ được 15 triệu đồng, bán nốt con trâu trong nhà với giá 20 triệu đồng, số tiền còn lại gia đình ông Tín không biết phải lấy từ đâu.
Giữa lúc bế tắc thì gia đình ông được nhóm người đứng ra kêu gọi quyên góp thông qua mạng xã hội. Số tiền gia đình ông Tín nhận được lên đến hơn 115 triệu đồng. Trừ tiền chi phí cho cuộc phẫu thuật, nhóm quyết định dùng 20 triệu để mua lại trâu cho ông Tín. Phần còn lại, được bỏ vào sổ tiết kiệm để gia đình ông Tín dùng chi phí thuốc men, trị liệu của anh Tính sau này.
Lan tỏa ánh sáng giữa đời
Nhờ sự quan tâm kịp thời, đúng lúc của nhóm người trẻ, đến nay anh Tính đã hoàn thành ca mổ và được điều trị tiếp tục. Đó là những người thuộc Hội Cựu học sinh Nghĩa Điền.
Anh Tạ Xuân Trung (Nghĩa Điền, Tư Nghĩa) một trong những thành viên tích cực của nhóm, đảm nhiệm vai trò viết bài kêu gọi ủng hộ chia sẻ: “Cách đây 4 năm, mình được một người bạn ngỏ lời mời cùng lập nhóm để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Nghe xong, mình đồng ý. Vậy là từ đó “Hội Cựu học sinh Nghĩa Điền” được ra đời với số lượng thành viên lên đến cả nghìn người. Nhưng trong đó, có khoảng chục bạn trẻ tụi mình thường xuyên đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn không chỉ ở xã, huyện mà còn trên toàn tỉnh.”
|
Sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của 3 chị em Hồ Thị Trà My ( ở Trà Bồng) thông qua chương trình "Hát mãi ước mơ", các thành viên trong nhóm đã huy động được số tiền hơn 20 triệu đồng và trao cho các em
|
“Công việc “làm dâu trăm họ” này, bị vài người ngờ vực số tiền ủng hộ không đến được tay những mảnh đời bất hạnh là điều khó tránh. Nhưng chỉ cần mình làm đúng, làm vì cái tâm rồi mọi người sẽ hiểu. Và số tiền quyên góp chúng mình nhận được sau mỗi lần vận động đã minh chứng cho điều đó”, anh Trung tâm sự.
Bắt tay kết hợp kêu gọi cùng Hội Cựu học sinh Nghĩa Điền đã được vài lần, anh Mai Sĩ Nghiệm (Nghĩa Điền, Tư Nghĩa), người quản lí fanpage “Nghĩa Điền quê tôi” chia sẻ: “Ban đầu mình lập ra trang này nhằm thông tin về tình hình ở Nghĩa Điền cho mọi người được biết. Nhưng sau đó, mình thấy thông qua trang có thể chia sẻ thêm các bài viết về những hoàn cảnh khó khăn để mọi người được biết và kịp giúp đỡ. Thường những bài viết này không chỉ được các bạn ở Quảng Ngãi mà cả những người con xa quê lập nghiệp quan tâm tương tác từ vài trăm đến hàng ngàn lượt chia sẻ, mình thấy rất vui”.
Mỗi thành viên trong nhóm đều có nghề nghiệp, cuộc sống riêng. Song tất cả có một điểm chung, đó là tấm lòng nhân ái, sẵn sàng dành thời gian cho công việc thiện nguyện.
“Tiền quyên góp có thể được ủng hộ qua số tài khoản, cũng có thể đưa trực tiếp tại nhà. Có những hôm sắp đến giờ cơm, nhận được cuộc gọi đi lấy tiền ủng hộ vậy là tụi mình gác bữa cơm lại, chạy ngay đi nhận tiền bất kể mệnh giá bao nhiêu. Nghĩ đến các hoàn cảnh sắp được giúp đỡ là tụi mình quên luôn cả đói rồi.” Anh Trung bày tỏ.
T. Nhàn