Bao giờ Hội Người khuyết tật tỉnh hết "ở nhờ"?

09:04, 12/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã gần 4 năm trôi qua kể từ ngày thành lập, nhưng đến nay, Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh vẫn chưa có trụ sở làm việc, phải mượn tạm căn phòng khách rộng chưa tới 10m2 của một người khuyết tật trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.
Cuối tháng 9.2016, UBND tỉnh có quyết định thành lập Hội NKT tỉnh. Đến ngày 30.11.2016, Hội NKT tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đánh dấu sự ra đời của tổ chức hội đại diện cho 48.000 người khuyết tật ở Quảng Ngãi (chiếm khoảng 4% dân số toàn tỉnh). Song, từ đó đến nay, dù đã đi vào hoạt động gần 4 năm, nhưng Hội vẫn chưa được sắp xếp, bố trí trụ sở làm việc. 
 
Căn phòng rộng chưa tới 10m2 tại nhà của một người khuyết tật đang được Hội NKT tỉnh mượn làm trụ sở làm việc.
Căn phòng rộng chưa tới 10m2 tại nhà của một người khuyết tật đang được Hội NKT tỉnh mượn làm trụ sở làm việc.
 
Hiện tại, văn phòng làm việc của Hội chỉ là một căn phòng rộng chưa tới 10m2 ở địa chỉ 79 Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi), được Hội mượn tạm của một hội viên. “Nói là văn phòng làm việc, nhưng diện tích chỉ đủ cho BCH Hội đặt 1 tủ nhỏ đựng giấy tờ, cùng dàn máy vi tính và một bộ bàn ghế. Diện tích quá nhỏ hẹp, ngay cả chỗ ngồi cho các hội viên khi ghé văn phòng Hội còn không có, nói gì đến diện tích phục vụ hoạt động sinh hoạt, tập huấn, dạy nghề cho hội viên. Đó là chưa kể, trụ sở này có bậc tam cấp ngay cửa ra vào, khiến NKT về vận động gặp khó khăn khi tiếp cận”, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Trần Tuấn Kiệt cho biết.
 
Hoạt động đã lâu, nhưng chưa có trụ sở, Hội NKT tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng bố trí văn phòng làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Không được bố trí trụ sở làm việc đã đành, ngay cả chi phí hỗ trợ thuê văn phòng trong năm 2020, Hội cũng bị “cắt”. “Theo QĐ 121/QĐ-UBND về việc phân khai kinh phí năm 2020 của UBND tỉnh, ngày 21.1.2020 cho Hội không có nguồn thuê trụ sở văn phòng làm việc. Theo quyết định này, năm 2020, Hội NKT tỉnh không có văn phòng để làm việc”, ông Kiệt thông tin.
 
Chưa được bố trí văn phòng làm việc và không được hỗ trợ chi phí thuê văn phòng, nên từ đầu năm 2020 đến nay, hội viên Hội NKT tỉnh và cũng là chủ nhân nhà số 79 Lê Trung Đình đã chuyển từ “cho thuê” sang “cho mượn” để Hội có nơi hội họp, sinh hoạt.  “Dù biết lấy mặt bằng đi cho thuê có thể giúp gia đình có thêm một khoản thu nhập, nhưng tôi vẫn quyết định nhường mặt bằng lại cho Hội NKT tỉnh làm trụ sở”, ông Trần Như Phi, chủ nhà, chia sẻ.
 
Hội NKT là "cánh tay nối dài" của các cơ quan, ban, ngành trong công tác về NKT. Vì vậy, niềm mong mỏi về một văn phòng làm việc để NKT có thể dùng làm nơi sinh hoạt, tập huấn, học nghề... là mong ước chính đáng của NKT mà các cấp, ngành cần quan tâm, hỗ trợ.
 
Việc cấp hoặc cho mượn một phòng của các cơ sở nhà công vụ để Hội có không gian sinh hoạt, làm việc là điều không quá khó đối với tỉnh. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT” và “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của NKT” theo Chỉ thị 39-CT/TW năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
 

.