Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Theo đó, sẽ có nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2020.
Bổ sung thêm 1 ngạch công chức
Ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức là một trong những nội dung mới được bổ sung tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức sửa đổi.
Theo khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Hiện nay, có 8 nhóm đối tượng được gọi là công chức. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và thuộc các cơ quan, đơn vị được nêu cụ thể tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức.
Ảnh minh họa |
Công chức chỉ gồm các đối tượng là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong: Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an…
Bên cạnh đó, khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi ngày 25-11-2019 đã bổ sung thêm 1 ngạch nữa là: Ngạch khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, bắt đầu từ 1-7-2020, khi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 có hiệu lực thì công chức sẽ có thêm ngạch mới theo quy định của Chính phủ và sẽ có tổng cộng 6 ngạch công chức. Đồng thời, Luật mới cũng thu hẹp các đối tượng công chức với việc không còn quy định người được tuyển dụng, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập là công chức.
Thi nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm
Theo Luật Cán bộ, công chức, công chức có thể được nâng lên ngạch cao hơn trong quá trình làm việc. Công chức sẽ được nâng ngạch theo 2 cách là thi tuyển và xét tuyển.
Thứ nhất, thi tuyển: Việc thi nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển. Và chỉ những công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch cao hơn mới được đăng ký dự thi nâng ngạch.
Cụ thể, khoản 14 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, công chức phải đáp ứng các điều kiện sau thì mới được đăng ký dự thi nâng ngạch: Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc không trong thời gian đang xem xét xử lý kỷ luật; Có ít nhất 1 năm giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký...
Theo T.Ngôn/NLĐO