(Baoquangngai.vn)- Những ngày này, cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân TP.Quảng Ngãi hân hoan kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chắc rằng ai cũng có những xúc cảm về những ngày mới giải phóng quê hương và ghi nhận về chặng đường 45 năm xây dựng TP.Quảng Ngãi phát triển...
Đi lên từ gian khó
Nguyên Phó Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà nhớ lại: "Cuộc chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm đã để lại hậu quả nặng nề đối với tỉnh Quảng Ngãi nói chung và thị xã Quảng Ngãi nói riêng. Hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội vốn đã nghèo nàn lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá suốt hai thập kỷ nên hầu như không còn gì.
Mốc xuất phát điểm trong tái thiết quê hương và xây dựng cuộc sống mới đối với cán bộ và nhân dân thị xã Quảng Ngãi sau giải phóng là con số âm. Bởi lẽ, ngoài khắc phục hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại, cả thành phố vừa phải tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, vừa lo giải quyết nhiều vấn đề xã hội phát sinh”.
Quê hương giải phóng. Khát vọng cháy bỏng của hàng ngàn người dân thị xã Quảng Ngãi thành hiện thực từ mốc son 24.3.1975. Lịch sử sang trang và “cuộc chiến” chống nghèo nàn, lạc hậu bắt đầu. Từ đây, bản lĩnh, trí tuệ, sự cần cù, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thị xã Quảng Ngãi được phát huy, hướng vào xây dựng quê hương ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Tháng 7.1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập. Từ đây, thị xã Quảng Ngãi bắt đầu một sứ mệnh mới với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.
Những năm đầu tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân thị xã Quảng Ngãi đối mặt với bộn bề khó khăn. Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội nghèo nàn, lạc hậu. Ý thức sây sắc về những khó khăn, thách thức, cũng như thời cơ của một đô thị tỉnh lỵ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Ngãi đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định các hoạt động; tích cực xây dựng thị xã phát triển.
Đến nay nhìn lại chặng đường 45 năm sau ngày giải phóng, từ một thị xã nhỏ bé “nắng bụi, mưa bùn” Quảng Ngãi đã vươn lên thành đô thị loại II. Từ chỗ chỉ có 8 phường, 2 xã sau ngày tái lập tỉnh, đến nay TP.Quảng Ngãi đã tăng lên 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường.
Diện mạo đô thị ngày một khang trang hơn. Từ chỗ thu nhập bấp bênh, đời sống người dân khó khăn, thì nay thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 3.050USD/năm (năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn dưới 1,7%...
Diện mạo thành phố trẻ
Điểm nổi bật trong chặng đường xây dựng thời gian qua của TP.Quảng Ngãi là phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ. Nếu năm 1996, trên địa bàn thành phố chỉ có 4.800 cơ sở và 7.300 lao động hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thì đến nay có 23.470 cơ sở, giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động. Nếu năm 1995, toàn thành phố có 1.062 cơ sở hoạt động trong ngành CN-TTCN thì đến nay phát triển trên 3.000 cơ sở, giải quyết việc làm cho 17.000 lao động.
Đến nay các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại của TP.Quảng Ngãi ngày một phát triển. Hiện thành phố có 1 trung tâm thương mại và nhà phố, 8 siêu thị, 5 trung tâm mua sắm đang hoạt động. Trong năm 2019, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 15.500 tỷ đồng, tăng gần 14% so với năm trước.
Một góc TP.Quảng Ngãi hôm nay (ảnh: M.Toàn) |
Một điểm nổi bật nữa của TP.Quảng Ngãi là phát triển đô thị. Hiện thành phố đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 48%.
Các dự án hạ tầng tạo điểm nhấn phát triển cho TP.Quảng Ngãi thời gian gần đây là dự án đường Hoàng Sa, Trường Sa, cầu Thạch Bích, cầu Cửa Đại… Trong đó việc xây dựng 2 tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa mở ra không gian phát triển đô thị về hướng biển cho thành phố.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đã kéo theo sự phát triển các dự án khu dân cư như Khu đô thị Ngọc Bảo Viên; Khu đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, Khu dân cư Sơn Tịnh (577); Khu đô thị Phú Mỹ; Khu dân cư Phát Đạt Bàu Cả; Khu dân cư Tăng Long Angkora Park; Khu dân cư Phan Đình Phùng; Khu dân cư An Phú Sinh… Các dự án đô thị, khu dân cư đã tạo nên diện mạo mới cho TP.Quảng Ngãi.
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết: Quan điểm phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian đến theo hướng liên kết mở, năng động. Trong đó, thành phố chú trọng đẩy mạnh liên kết nhằm thu hút tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, kết hợp với việc sử dụng hiệu quả nội lực, phát huy các lợi thế so sánh của thành phố với các đô thị khu vực ven biển miền Trung để phát triển.
Thành phố phát triển theo định hướnglà đô thị “năng động - thân thiện”. TP.Quảng Ngãi sẽ lấy trụ cột phát triển là kinh tế đô thị và kinh tế biển. Trong đó chú trọng phát triển đô thị theo hướng mở ra biển, từng bước trở thành đô thị biển văn minh, hiện đại…
BÁ SƠN